Để biên cương mãi một màu xanh bình yên - Bài 1

Người chiến sĩ biên phòng hôm nay không chỉ nắm chắc tay súng bảo vệ biên cương, mà còn chung tay giúp đỡ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, giúp chính quyền địa phương củng cố, phát triển hệ thống chính trị cơ sở và tương thân, tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

ĐỔI THAY NHỜ TAY BIÊN PHÒNG

Vùng dứa hàng hóa đã đem lại thu nhập cao của đồng bào Bản Lầu.


Dẫn chúng tôi đi trên con đường nhựa liên xã từ đồn vào thôn Na Lốc (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai), Đội trưởng Đội vận động quần chúng Phàn A Quý, Đồn biên phòng Bản Lầu, giới thiệu: “Đồng bào đang đưa chuối, dứa lên ô tô để đi xuất khẩu đấy. Phía xa màu xanh bát ngát kia là những đồi dứa, chuối đang kỳ thu hoạch. Còn đây là những ngôi nhà kiên cố, địa phương đã xóa hết những ngôi nhà tranh tre tạm bợ”.

Trước đây, đồng bào ở xã Bản Lầu chủ yếu trồng lúa, ngô trên các ruộng bậc thang. Canh tác mỗi năm 1 vụ, năng suất thấp, nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu đói xảy ra thường xuyên, nhất là vào các kỳ giáp vụ.

Để Bản Lầu có được diện mạo mới như ngày hôm nay, là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn biên phòng Bản Lầu hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất cây trồng như chuối, dứa, tạo thành vùng chuyên canh hàng hóa. Những loại cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây và đã cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Bản Lầu chỉ còn 8,5%; tỷ lệ học sinh đến trường đạt 98%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững.

Nhiều mô hình trông rau màu của các chiến sĩ được phổ biến trong nhân dân.


Anh Hầu Seo Hòa, Trưởng thôn Na Lốc phấn khởi cho biết: “Năm 1992, đồng bào Mông ở xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương) di chuyển về xã Bản Lầu, cùng huyện thành lập thôn Na Lốc. Gia đình tôi là một trong số đó. Khi mới chuyển về, các gia đình thường xuyên bị thiếu đói. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện giao đất canh tác và các cơ quan khuyến nông, cán bộ biên phòng thường xuyên đến động viên, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng ngô để lấy lương thực, rồi dần dần chuyển sang trồng dứa, chuối cao sản, kinh tế gia đình dần khấm khá lên. Năm nay gia đình tôi thu hoạch được 150 triệu đồng từ 2 ha chuối, 70 triệu đồng từ 1 ha dứa. Gia đình tôi còn chăn nuôi trâu, bò và lợn, gà cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình ấm no, có điều kiện lo cho con cái học hành”.

Đồn biên phòng Bản Lầu được giao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, với chiều dài đường biên 13,143 km, trên địa bàn 2 xã: Bản Lầu và Lùng Vai. Đường biên chiếm 2/3 phần trên suối, trải dài theo dọc 7 thôn giáp biên.

Đến nay, nhân dân ở các thôn Cốc Phương và Na Lốc đã trồng được khoảng 780 ha dứa, 250 ha chuối, 120 ha cao su, 264 ha chè. Toàn thôn không còn hộ nghèo, nhiều nhà đã sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như xe máy, ti vi, tủ lạnh, truyền hình vệ tinh... Ông Sùng Díu Mìn, một “đại gia” trồng chuối không chỉ ở thôn Na Lốc mà còn thuê hàng chục ha đất ở tận huyện Bát Xát để trồng, tâm sự: “Nhờ có bộ đội biên phòng giúp đỡ, cuộc sống của người Mông ở vùng sâu như chúng tôi đã tốt hơn rất nhiều. Tuy chưa giàu, nhưng bây giờ nhà nào cũng có xe máy, tivi. Cuộc sống như vậy là tốt rồi”.


Có chứng kiến tận mắt mới cảm nhận hết được sự đổi thay của vùng đất biên giới mà cách đây chưa lâu còn được coi là vùng “đất trắng” này; mừng vì cấp ủy, chính quyền địa phương đã có những bước đi đúng hướng, phát huy tiềm năng thế mạnh làm bừng dậy sức sống trên một vùng biên ải. Sự đổi thay ấy không thể không kể đến sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Lầu.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Bài 2: Đảm nhiệm hai vai trò

Bộ đội biên phòng đỡ đầu học trò vùng biên
Bộ đội biên phòng đỡ đầu học trò vùng biên

Cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng đều xem các em như người em, người con trong nhà, dạy bảo, thương yêu, động viên các em cố gắng học tập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN