Đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phát triển KT-XH vùng đồng bào Khmer

Bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia Dự án 2 (Chương trình 135 của Chính phủ), tỉnh Trà Vinh đang đầu tư 18 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào Khmer tại huyện Trà Cú.

Chú thích ảnh
 Nông dân huyện Trà Cú trồng màu cho thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm, tăng 4 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa-/

Ông Kim Ngọc Sương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú cho biết, với nguồn vốn được phân bổ trên, huyện đã đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng để xây dựng mới và duy tu 18 tuyến đường giao thông nông thôn, 1 nhà văn hóa cùng 1 hệ thống thoát nước. Nguồn vốn còn lại gần 3,5 tỷ đồng được huyện đầu tư cho 8 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, với 211 hộ Khmer có điều kiện kinh tế khó khăn được vay vốn để trồng màu, chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định cuộc sống gia đình. 

Ông Kiên Banh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Cú là địa phương có tỷ lệ hộ Khmer nhiều nhất tỉnh, chiếm trên 62% dân số của toàn huyện. Trong giai đoạn 2016-2020, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia Dự án 2, tỉnh đã đầu tư nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương có đông đồng bào Khmer, trong đó nhiều nhất tại huyện Trà Cú.

Một trong những việc đầu tư mang lại hiệu quả cho đời sống đồng bào Khmer là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2016–2020, tổng nguồn vốn tỉnh đã đầu tư hỗ trợ đồng bào Khmer vay trồng trọt, chăn nuôi hơn 46 tỷ đồng thông qua 209 dự án và mô hình phát triển sản xuất, với 2.559 hộ được hỗ trợ. Các dự án, mô hình sản xuất đã giúp hộ đồng bào Khmer khó khăn tạo được sinh kế và nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, góp phần cho nhiều địa phương trong tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới. Điển hình tại huyện Cầu Kè, trong số 11 xã, thị trấn, hiện đã có 5 xã có đông đồng bào Khmer đạt chuẩn xã nông thôn mới, gồm: Châu Điền, Hòa Ân, Phong Phú, Hòa Tân, Phong Thạnh.

Bà Thạch Thị Dung, ấp Chông Nô I, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè là một hộ Khmer điển hình thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất. Gia đình bà Dung được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 8 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình bà cải tạo 3.000 m2 đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu. Hơn 3 năm nay, nguồn thu từ rau màu trung bình mỗi tháng từ 3,5 - 4 triệu đồng.

Bà Dung phấn khởi cho biết, gia đình bà cũng như nhiều hộ đồng bào Khmer khác, rất vui khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất. Nhờ đó, hiện gia đình bà đã thoát nghèo và có cuộc sống sung túc hơn.

Phúc Sơn (TTXVN)
Tặng bồn chứa nước cho đồng bào Khmer nghèo vùng hạn mặn Kiên Giang
Tặng bồn chứa nước cho đồng bào Khmer nghèo vùng hạn mặn Kiên Giang

Ngày 23/3, tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), thông qua Tỉnh đoàn Kiên Giang, Công ty cổ phần Sơn Hà, Sài Gòn tặng 50 bồn chứa nước sạch có dung tích 500 lít cho đồng bào nghèo trên địa bàn trong xã, mỗi bồn chứa nước trị giá 1,5 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN