Đắk Nông: Bếp ăn tình thương cho người bệnh nghèo

Gần 4 năm qua, "Bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo" tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông đã và đang mang đến cho bà con dân tộc thiểu số nghèo ở vùng sâu, vùng xa, người tàn tật, khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa niềm tin yêu, sự sẻ chia và giúp họ vượt qua khó khăn để yên tâm trị bệnh.

Vượt lên chính mình

"Lá lành đùm lá rách", đó là hình ảnh "bếp ăn tình thương phục vụ cho bệnh nhân nghèo" Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Bếp ăn được thành lập ngày 24/8/2007. Gần 4 năm qua, tinh thần phục vụ nhiệt tình ngày qua ngày của các chị, các sơ, tấm lòng của các mạnh thường quân đã mang lại những bữa cơm cho những bệnh nhân nghèo mà đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa… khi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh.

Niềm vui được phục vụ bệnh nhân nghèo người dân tộc thiểu số. Ảnh: Kgửih - TTXVN


Dù nguồn kinh phí chính từ tổ chức SIDA - Thụy Điển bị cắt cuối năm 2009, nhưng các sơ, các chị em, ban giám đốc bệnh viện không vì thế mà chấm dứt hoạt động bếp ăn tình thương. Chính chữ "tình" và tấm lòng của những người thầy thuốc, cùng những lời kêu gọi lòng nhân ái đã kéo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh cùng chung tay duy trì bếp ăn tình thương phục vụ cho bệnh nhân nghèo.

Sơ Phan Thị Quảng, tu viện giáo xứ thị xã Gia Nghĩa, người đã gắn bó một thời gian dài với bếp ăn tình thương tâm sự: "Từ khi mất tài trợ của tổ chức SIDA -Thụy Điển, cùng với giá cả cứ lên vùn vụt, bếp ăn gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may là nhờ lòng hảo tâm nhiệt tình từ các đơn vị, cá nhân, các cơ quan trong và ngoài tỉnh đã giúp cho bếp ăn này tồn tại đến giờ. Chúng tôi mong rằng những người đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau góp sức giúp cho bếp ăn tồn tại lâu dài và là chỗ dựa tinh thần cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn".

Ấm áp tình người

Có mặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, chúng tôi cảm nhận được ánh mắt, nụ cười niềm vui hạnh phúc của bệnh nhân hay thân nhân của họ khi được chia sẻ khó khăn qua bữa ăn đầy tình nghĩa. Bệnh nhân K'Lân (60 tuổi) người dân tộc Mnông, huyện Tuy Đức bộc bạch: "Gia đình tui khó khăn lắm anh à. Có bếp ăn tình thương này bà con tui vui lắm, đỡ được rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Chúng tui mang ơn các chú các bác, những người đã và đang giúp cho bếp ăn hoạt động như thế này".

Đằng sau những phần cơm tình thương này không thể không nhắc đến những nghĩa cử cao đẹp, hết sức thầm lặng của các chị nhà bếp, nấu từng nồi cơm, nhặt từng cộng rau để làm nên bữa ăn cho người bệnh. Ông Trần Văn Nông (70 tuổi), phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa tâm sự: "Cứ đến bữa ăn, tất cả các bệnh nhân đã đăng ký tên trong danh sách đến đứng chờ rất đông, chỉ có 2, 3 cháu phục vụ nhưng lại rất nhiệt tình nên bà con cũng rất vui, không ai phàn nàn gì cả". Ngoài những phần cơm tình thương, bếp ăn còn nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân có nhu cầu ăn thêm.

Do đến nay không có nhà tài trợ chính, nên bếp ăn này sống được là nhờ sự chung sức của các tổ chức, các cá nhân, đoàn thể. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: "Hiện nay do nguồn tài trợ có hạn nên bếp ăn chỉ phục vụ miễn phí cho những đối tượng nhất định, như: Người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, có sổ nghèo đói, người già nua, trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa, người bị bệnh hiểm nghèo khó khăn, người nghèo vùng sâu vùng xa, vùng 3, đồng bào dân tộc thiểu số. Và hiện nay, ban chỉ đạo bếp ăn tình thương vẫn không ngừng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm từ thiện xa gần để duy trì hoạt động của bếp ăn tình thương này". Hy vọng chữ "tình" trong bếp ăn tình thương này sẽ luôn đỡ đần những bệnh nhân cần vòng tay nhân ái cứu giúp. 

Kgửih - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN