C’Rôn của đàn ông Cơ tu

Đến các bản làng người Cơ tu, nhất là vào dịp Tết hoặc mùa lễ hội, bên cạnh việc chiêm ngưỡng các sơn nữ Cơ tu với trang phục đẹp, đeo những vòng kiềng bằng bạc (p’nâng), chuỗi hạt cườm (h’rát), chuỗi mã não (l’lát) màu huyết dụ hay vàng cam rực rỡ, du khách còn được mục kích các đấng mày râu người Cơ tu đeo những vòng cổ bằng bạc trắng, hay các chuỗi mã não (c’rôn), trông thật uy nghi.

Mỗi hạt mã não trên c’rôn xưa kia ngang giá một con trâu.


Ngày trước, người Cơ tu sống theo chế độ phụ hệ, họ của con lấy theo cha, chỉ người con trai mới được thừa hưởng gia tài. Theo tập tục của người Cơ tu, khi người họ này đi lấy vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ ở họ này, mà phải tìm một họ khác để lấy. Tập tục của người Cơ tu cũng cho phép khi người chồng chết, người vợ có thể lấy anh hoặc em chồng và khi người vợ chết, người chồng cũng có thể lấy em hay chị của vợ. Việc kết hôn thường mang tính chất gả bán, sau lễ cưới cô dâu đến ở nhà chồng. Chế độ một vợ một chồng rất phổ biến, tuy nhiên cũng có một số người khá giả lấy hai vợ. Người Cơ tu khi qua đời, có tục lệ chia của nên những đồ trang sức như coòng, mã não… cũng được chôn theo cùng người chết. Vì thế, rất hiếm những chuổi mã não ngày xưa còn đến nay.

Vòng đeo cổ (c’rôn) là trang sức chủ đạo của người đàn ông Cơ tu lớn tuổi.


Già làng Đinh Văn Bớt (67 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang - Quảng Nam) cho biết: Ngày trước, trai Cơ tu nghèo, không có mã não thì rất khó lấy vợ. Do không có của (mã não) nên tạm thời những thanh niên Cơ tu nghèo phải lấy những người phụ nữ góa chồng, tuổi cao gấp 3 - 4 lần tuổi mình. Sau 4 - 5 năm, người thanh niên kia làm ăn có của cải thì cưới vợ trẻ hơn. Và món quà đầu tiên để làm sính lễ với cha mẹ vợ cũng là vòng mã não. Ngược lại, một người đàn ông Cơ tu giàu có, có thể cưới con gái Cơ tu khoảng 15 tuổi. Người Cơ tu đeo càng nhiều chuỗi mã não thì chứng tỏ càng giàu có, quyền lực, đại diện cho giới thượng lưu.

Vào dịp Tết, cưới hỏi… không thể thiếu c’rôn trên trang phục lễ hội.


Đối với đàn ông Cơ tu đứng tuổi, vòng đeo cổ là một loại trang sức chủ đạo, không thể thiếu trong trang phục hằng ngày cũng như vào dịp Tết, lễ cưới, hỏi, lễ hội... Những chuỗi trang sức (c’rôn) bằng những hạt mã não nhỏ hình tròn hay bầu dục, xen kẽ giữa các hạt mã não là những nanh heo rừng, lông gáy heo rừng, vuốt con gấu, hình nhân gỗ làm bằng gỗ quý… C’rôn đẹp, với những chiếc nanh heo dài… là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, địa vị của những người đàn ông Cơ tu cao tuổi.

C’rôn với nanh heo rừng dài là biểu tượng của sức mạnh, địa vị.


Già làng Y Công (82 tuổi), thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang - Quảng Nam) kể: “Ngày xưa, người Cơ tu rất quý mã não. Trai Cơ tu thường tặng người yêu những hạt mã não. Không những thế, của hồi môn của cha mẹ cho con gái Cơ tu về nhà chồng cũng bằng mã não, tùy theo khả năng từng gia đình mà cho nhiều hay ít. Ngày xưa, mỗi hạt mã não được trao đổi ngang với một con trâu, con bò. Còn ngày nay, chỉ 50.000 đồng cũng mua được một chuỗi mã não (10 hạt), tất nhiên là không đẹp và quý như những hạt mã não ngày xưa còn lại. Một số đôi tân hôn người Cơ tu ngày nay đã biết đeo nhẫn cưới cho vợ chồng của mình thay vì những chuỗi mã não”.


Bài và ảnh: Khánh Loan

Trưởng thôn Cơ tu 8X và kho thóc tình thương
Trưởng thôn Cơ tu 8X và kho thóc tình thương

Ở miền sơn cước bốn bề rừng xanh núi bạc, có một nữ trưởng thôn vang tiếng được đồng bào dân tộc Cơ tu thôn J’Da, xã Lăng, (huyện Tây Giang - Quảng Nam) tín nhiệm, mến yêu vì đã góp công lớn nâng cao đời sống cho bà con thôn bản. Chị là Cơ Lâu Thị Giáp, trưởng thôn J’Da.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN