Thưa ông, xin ông chia sẻ về ý nghĩa của Đại hội Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, cũng như thông điệp mà nước chủ nhà Việt Nam muốn gửi gắm qua sự kiện này?
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games - ASG) lần thứ 13 là sự kiện thể thao học đường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được Chính phủ và Nhân dân các nước ASEAN rất quan tâm. Việc tổ chức Đại hội vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của các quốc gia thành viên.
Đây là dịp để đánh giá toàn diện về thực trạng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự kiện này còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với nhân dân các nước ASEAN.
ASG lần thứ 13 là cơ hội để các thầy cô giáo, các em vận động viên học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ tổ chức và thành tích chuyên môn trong thể thao học đường, thúc đẩy sự quan tâm chung tay của nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội vì sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam.
Với thông điệp “Kết nối cùng toả sáng”, nước chủ nhà Việt Nam mong muốn ASG lần thứ 13 không chỉ là nơi tôn vinh tài năng thể thao mà còn kết nối học sinh các quốc gia trong khu vực, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển.
Ban Tổ chức đã có sự chuẩn bị như thế nào và điểm nhấn của Đại hội này là gì, thưa ông?
Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã sẵn sàng cho ASG lần thứ 13. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo từ khâu tổ chức, hậu cần, an ninh... hệ thống hình ảnh nhận diện chuyên nghiệp; đồng thời Đại hội cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế. Đặc biệt đây cùng là kỳ Đại hội Ban tổ chức chú trọng tăng cường truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông số.
Song song với hoạt động thi đấu, Đại hội hướng tới việc tăng cường sự giao lưu, hội nhập giữa các nước trong khu vực thông qua các hoạt động trải nghiệm đa dạng, các hội thảo nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháo thúc đẩy phong trào thể thao học đường và phát triển thể lực cho học sinh Đông Nam Á.
Diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng vào thời điểm đẹp nhất trong năm, chuỗi hoạt động của Đại hội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa, du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thông qua việc tổ chức các sự kiện thể thao như Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á, ngành giáo dục sẽ có những định hướng gì để phát triển thể thao học đường trong thời gian tới, thưa ông?
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh.
Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho học sinh; gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống nhằm phát triển đội ngũ nhân lực có trí tuệ phát triển cao, thân thể cường tráng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam lần này là cơ hội để các em vận động viên - học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao thành tích chuyên môn của thể thao trường học. Đại hội cũng là cơ hội để lan toả thông điệp đến nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội nhằm chung tay vì sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.
Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tổ chức các sự kiện thể thao học đường một cách thường xuyên, khoa học, phù hợp với thể chất của học sinh, tạo môi trường cho các em phát triển toàn diện.
Trân trọng cảm ơn ông!