Theo báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 17 giờ ngày 22/6 đến 17 giờ ngày 23/6, Đà Nẵng ghi nhận thêm 20 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, tính từ ngày 18/6 đến 17 giờ ngày 23/6, Đà Nẵng ghi nhận 62 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Những trường hợp mắc COVID-19 này đều có nguồn lây liên quan đến ông N.V.H, bệnh nhân số 12.437 (trú tại 407, đường Lê Duẩn, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) làm nhân viên bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân (số 145 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê).
Trong ngày 23/6, Đà Nẵng xét nghiệm 9.429 lượt người (tính từ ngày 18/6 đến nay xét nghiệm 30.573 lượt người). Đà Nẵng đã thiết lập 10 điểm nóng trên địa bàn 9 phường, 4 quận.
Ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, trong các bệnh nhân mắc COVID-19 mới đều đã xét nghiệm lần 2, lần 3 thì phát hiện dương tính. Đa số bệnh nhân này đều ở trong khu tam giác Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ - Lê Duẩn.
Ông Sơn đề xuất, cơ quan chức năng phong tỏa cứng khu vực tam giác, xem nơi này thành nơi cách ly tập trung, xem mỗi hộ là một phòng cách ly, bên trong khu vực này phải đảm bảo đúng như Chỉ thị 16 của Chính phủ, bắt buộc ai ở nhà đó, không ai tiếp xúc, nói chuyện với nhau, khai báo y tế bắt buộc hàng ngày. Nếu nhà này qua nhà khác hay trường hợp trong khu tam giác này có người đi ra bên ngoài gây lây lan dịch bệnh để lây bệnh có thể truy tố trước pháp luật.
Ông Sơn đề nghị, quận Thanh Khê tăng cường tuyên truyền, bổ sung lực lượng tại khu vực điểm nóng, Chủ tịch UBND phường và tổ dân phố có người dân trong khu tam giác phải chịu trách nhiệm trước chính quyền, cam kết trước pháp luật.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) Tôn Thất Thạnh cho biết, Đà Nẵng đã qua ít nhất 2 chu kỳ lây lan của dịch, nếu các cơ quan chức năng không làm tốt thì các ca sẽ tăng lên và thêm chu kỳ 3. Vì vậy, Đà Nẵng phải làm nghiêm túc vấn đề cách ly, xét nghiệm thì mới cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Theo ông Thạnh, những ngày qua, sau khi cơ quan chức năng tổ chức giám sát lại, cho thấy có nhiều vấn đề có thể gây lây lan trong khu vực tam giác, đơn cử như: khu vực tam giác có nhiều ngõ, hẻm nhỏ, chật hẹp; một số người dân vẫn tụ tập, không mang khẩu trang; thùng rác chưa đáp ứng tiêu chuẩn; vẫn có tình trạng mua bán giữa trong và ngoài, điều này có nguy cơ phát tán lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài khu tam giác.
Ông Thạnh đề nghị, quận Thanh Khê tăng cường giám sát, bổ sung camera, tăng cường lực lượng công an phối hợp tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, trong các hẻm, ngõ cần triển khai lực lượng một ngày phun thuốc khử khuẩn 2 lần.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam kết luận, hầu hết các ca lây nhiễm mới đều liên quan đến trường hợp bệnh nhân số 12.437 (trú tại 407, đường Lê Duẩn, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Do vậy, quận Thanh Khê cần siết chặt quản lý khu phong tỏa tam giác Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ. Khu tam giác này cần được tổ chức thành khu cách ly tập trung theo đúng Chỉ thị số 16 của Chính phủ. Các cấp chính quyền thông báo cho người dân thực hiện nghiêm túc công tác cách ly. Rác thải từ khu cách ly này phải được thực hiện phân loại. Đồng thời, những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch phải bị xử lý, xử phạt nghiêm.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tối 23/6, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng ban hành công văn số 2857/SGTVT-QLVTPTNL về việc tiếp nhận phương tiện và lái xe đảm bảo đầy đủ điều kiện, yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng yêu cầu các phương tiện và lái xe khi vào địa bàn thành phố Đà Nẵng phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và của thành phố Đà Nẵng; trong đó yêu cầu lái xe phải thực hiện khai báo y tế trực tuyến hoặc khai báo giấy trước khi vào thành phố; kiên quyết không tiếp nhận đối với các trường hợp không đảm bảo theo quy định.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô (bao gồm xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi), Sở Giao thông Vận tải thành lưu ý một số nội dung quan trọng sau: Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô (gồm: xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi) đi từ thành phố Đà Nẵng đến các tỉnh, thành phố (vùng, thị trấn, huyện, thị xã) có ca lây nhiễm COVID-19 theo công bố của Bộ Y tế và ngược lại cho đến khi có thông báo mới; trừ trường hợp đặc biệt.
Đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô có hành trình đi qua các tỉnh/thành phố được Bộ Y tế công bố có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thì không được dừng, đỗ để đón, trả khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (trừ trường hợp cấp thiết). Các hoạt động vận tải khách đi đến các địa phương còn lại: Phương tiện vận tải hành khách được hoạt động bình thường, phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động vận tải hành khách trong phạm vi địa bàn thành phố Đà Nẵng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời chỉ được vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ theo quy định.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung cụ thể sau: Phương tiện phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; phải được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi hoạt động vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế; lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải có điện thoại thông minh, có cài đặt các phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn; khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; được xét nghiệm SARS-COV-2 theo hướng dẫn tại các văn bản số 898/BYT-MT của Bộ Y tế (kết quả xét nghiệm trong vòng 72 giờ trước khi đi vào thành phố Đà Nẵng); hàng hóa ở các địa phương vùng dịch trước khi được xuất đi phải đảm bảo an toàn phòng dịch.