Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với chủ đề “Indonesia hướng tới mục tiêu trở thành nhà vô địch của ASEAN Para Games 2022” ngày 20/7, Trưởng ban tổ chức ASEAN Para Games Indonesia (INASPOC) Gibran Rakabuming Raka cho biết: "Lửa của cây đuốc Para Games sẽ được lấy từ ngọn lửa vĩnh cửu Mrapen (ngọn lửa được tạo nên từ các hiện tượng địa chất tự nhiên) thuộc huyện Grobogan, tỉnh Trung Java. Sau đó, ngọn đuốc sẽ được đưa đến thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java - nơi đăng cai chính của sự kiện vào ngày 25/7. Lễ rước đuốc sẽ có sự tham gia của một số cựu vận động viên Para Games.
Thị trưởng thành phố Surakarta cho biết đến nay, tất cả các địa điểm đều đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để tổ chức các nội dung thi đấu của ASEAN Para Games. Đây sẽ là lần thứ hai thành phố Surakarta đăng cai tổ chức ASEAN Para Games kể từ năm 2011.
Theo Thị trưởng Surakarta, biểu trưng của sự kiện bao gồm gunungan - một cấu trúc hình tam giác được sử dụng trong các buổi biểu diễn múa rối truyền thống của Indonesia (wayang) và keris - một loại vũ khí truyền thống của người Java. Linh vật là hình Rajamala, một trong những nhân vật trong wayang.
ASEAN Para Games 2022 sẽ diễn ra tại Indonesia từ ngày 26/7 đến 7/8 với 14 môn thể thao (907 nội dung thi đấu). Lễ thượng cờ sẽ diễn ra vào ngày 29/7 và lễ khai mạc đại hội được tổ chức ngày 30/7.
Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2022 gồm 153 thành viên, trong đó có 15 cán bộ đoàn, 18 huấn luyện viên và 120 vận động viên. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 8 môn thể thao trong tổng số 14 môn thi đấu của đại hội, gồm: Điền kinh (32 vận động viên và 1 vận động viên dẫn đường), Bơi (29 vận động viên), Cử tạ (11 vận động viên), Cầu lông (11 vận động viên), Bóng bàn (14 vận động viên), Cờ vua (17 vận động viên), Judo (4 vận động viên), Bắn cung (1 vận động viên).