Trong bối cảnh tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia tăng, Liên minh châu Âu (EU) đang điều chỉnh chính sách nhằm kiểm soát hành vi này, nhất là sau vụ bê bối LuxLeaks hồi cuối năm 2014. EU đang điều chỉnh chính sách nhằm kiểm soát hành vi trốn thuế. |
Ủy ban châu Âu cho biết kế hoạch của cơ quan này là buộc 28 quốc gia thành viên EU chia sẻ thông tin về mọi thỏa thuận thuế nào ký với một số tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, chấm dứt các “thỏa thuận mật” cho phép các nước thành viên cạnh tranh lẫn nhau để thu hút doanh nghiệp và vốn đầu tư.
Các thành viên EU cứ ba tháng một lần sẽ phải công khai việc này. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici cho hay, điều này sẽ ngăn chặn các doanh nghiệp có ý định bí mật chuyển lợi nhuận sang nước khác để trốn thuế, ít nhất là trong phạm vi EU. Bên cạnh đó, trao đổi dữ liệu thuế được coi như một "vũ khí" hiệu quả nhất chống sự gian lận và chấm dứt sự độc đoán có thể ngự trị trong hợp tác giữa các cơ quan thuế.
Các nước thành viên EU cứ ba tháng một lần sẽ phải công khai chi tiết các thỏa thuận về thuế với các doanh nghiệp. |
Kế hoạch này nhắm tới các quy định về thuế, những thỏa thuận bí mật vốn là tâm điểm vụ bê bối LuxLeaks. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải một số ý kiến chỉ trích về quy mô nhỏ và mức độ minh bạch cũng hạn chế để có thể xử lý hình vi trốn thuế của các doanh nghiệp vốn đã lan trên diện rộng.
Đây là nỗ lực lớn đầu tiên của EU để xử lý vụ bê bối LuxLeaks. Trong vụ LuxLeaks, hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu thế giới, trong đó có Pepsi, Ikea, FedEx, Deutsche Bank, AIG bị nghi ngờ đã chuyển hàng trăm tỷ USD từ nơi phải đóng thuế cao sang Luxembourg, quốc gia có mức thuế thấp hơn hẳn các nước khác để trốn thuế. Các công ty này đã thuê tư vấn về thuế làm việc với Chính phủ Luxembourg, đàm phán để được hưởng một mức thuế ưu đãi nhất. Phát hiện này được dựa trên 28.000 trang tài liệu mật được thu thập và điều tra từ các nhà báo tại nhiều quốc gia.
Trên thực tế, EU không cấm một quốc gia thành viên áp mức thuế thấp hơn nước láng giềng, song việc quốc gia đó ký thỏa thuận ưu đãi đặc biệt cho một số doanh nghiệp là hành vi vi phạm quy định của khối. Sau vụ LuxLeaks, EU cũng "để mắt" tới Thụy Sỹ và tăng cường hợp tác về thuế với quốc gia vốn được giới đầu tư mệnh danh là “thiên đường thuế” này.
Ngày 19/3 ở Brussels, đại diện EU và Thụy Sỹ đã ký tắt thỏa thuận trao đổi tự động thông tin thuế, sau khi hai bên kết thúc đàm phán. Theo thỏa thuận, 28 quốc gia EU và Thụy Sỹ sẽ trao đổi tự động thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Điều này có nghĩa là các công dân EU không thể che giấu thu nhập không khai thuế trong tài khoản gửi ở Thụy Sỹ.
Hàng năm, các quốc gia EU sẽ tiếp nhận thông tin về tên, địa chỉ, ngày sinh và xác nhận thuế của các cư dân của họ có tài khoản ngân hàng tại Thụy Sỹ, cũng như có hàng loạt các thông tin tài chính khác liên quan. Dự kiến, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 liên quan đến việc thu thập dữ liệu ngân hàng và việc trao đổi thông tin tự động sẽ bắt đầu từ năm 2018. Thỏa thuận này được áp dụng hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Việt Khoa(Tổng hợp)