Theo đó, các loại hàng hóa là tang vật vi phạm bị tiêu hủy là thuốc lá điếu ngoại nhập; phân bón nước; mũ bảo hiểm; đồng hồ ngoại nhập cùng các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, giày dép…
Hình thức tiêu hủy là dùng máy, kéo cắt nát, máy xúc đập, cán nát, sau đó vận chuyển đến bãi rác xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột để chôn lấp.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, toàn bộ tài sản bị tiêu hủy nói trên là hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, không còn giá trị sử dụng, không bán đấu giá được… đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu và quyết định phê duyệt hình thức xử lý tiêu hủy theo quy định pháp luật. Quá trình tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk và cơ quan chức năng có liên quan, bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk Vương Minh Sơn cho biết, để bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm quy định của pháp luật, nhất là vi phạm trong bán hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử.
Theo thống kế, năm 2023, Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xử lý 720 vụ vi phạm, nộp ngân sách hơn 6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra, xử lý 73 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, tổng số tiền xử phạt là hơn 1,8 tỷ đồng.