Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, mua sắm online đã trở thành công cụ phổ biến hữu ích với người tiêu dùng. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam bứt phá, đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, năm 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt từ 13,5 - 13,7 tỷ USD. Năm 2022 con số này tăng lên 16,4 tỷ USD và dự báo đến 2025 đạt khoảng 38 - 39 tỷ USD.
Nhận định từ các chuyên gia, xu thế mua hàng của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong 2 - 3 năm trở lại đây với tất cả các mặt hàng, từ tiêu dùng, đồ ăn, nước uống, thời trang, mỹ phẩm... kéo theo dịch vụ hậu cần như chuyển phát, giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ.
Qua đó, nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu phát sinh cao đến 90 - 95% từ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa online. Thế nhưng, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD.
Báo cáo này cũng cho thấy, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi thương mại điện tử chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam.
Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022, có tới 14 tỷ USD là từ thương mại điện tử, tăng 26% so với cùng kỳ. Đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
Số liệu khảo sát khác của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiến hành, năm 2022 cũng cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của một người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD.
Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, các hành vi vi phạm tồn tại trong môi trường thực tế thì đều xuất hiện trên môi trường mạng xã hội. Đặc biệt, vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn do đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online.
Cùng đó, các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và thường xuyên hơn trên môi trường trực tuyến.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng quản lý thị trường cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đơn cử như các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok... Các hành động này gây khó khăn cho lực lượng trong xác minh địa điểm, kho hàng...
Hơn nữa, hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng về công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng ẩn đi, xóa đi chứng cứ rất nhanh gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ.
Ngoài ra, đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại rất khó khăn, phức tạp bởi trao đổi qua ibox cá nhân hoặc hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân.
Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022 lực lượng quảnlý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với thực tế.
Đáng lưu ý, theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm có đến 1.500 khiếu nại của người tiêu dùng qua đường dây nóng, bằng văn bản liên quan đến việc mua sắm qua thương mại điện tử. Như vậy, mỗi ngày có từ 5 - 6 khiếu nại, phàn nàn về việc mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; chất lượng dịch vụ của bên bán hàng...
“Nếu không kiểm soát tốt môi trường online, hàng giả, hàng nhái sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và uy tín của chính các website bán hàng online”, ông Trần Hữu Linh dự báo.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho rằng, do đặc thù người bán, người mua không gặp nhau trực tiếp nên gian lận thương mại gia tăng trên thương mại điện tử.
Hơn nữa, không ít người tiêu dùng biết là hàng giả, không rõ xuất xứ nhưng vẫn mua hoặc không tố giác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu…cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền khẳng định, nhằm tăng cường ngăn chặn chống hàng giả, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế sỗ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử cũng nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Mặt khác, tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp, chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm; tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.