Viện trưởng Lê Minh Trí: Có vụ chuyển tội danh từ tham nhũng sang kinh tế

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã lý giải vì sao một số vụ án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ chuyển tội danh từ tham nhũng sang kinh tế.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên chất vấn sáng nay 18/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, vẫn khó phát hiện tham nhũng, tình trạng xét xử các vụ án tham nhũng kéo dài, thu hồi tài sản tham nhũng chậm.

Tham gia trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có bước tiến rõ nét. Nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật; tuy nhiên vẫn còn những vụ án kéo dài.

Nguyên nhân được Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra là, các vụ án tham nhũng là án truy xét, hành vi thực hiện phạm tội tới thời điểm phát hiện dài. Đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án...

“Kết quả giám định tư pháp kéo dài, phải thực hiện nhiều lần; riêng vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở”, ông Lê Minh Trí cho biết.

Cũng theo ông Lê Minh Trí, có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được.

Bên cạnh đó, việc xét xử các vụ án tham nhũng kéo dài còn bởi sự phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án...

“Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu dẫn chứng.

Ngoài ra, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thừa nhận, việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần một phần cũng do năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát. Tâm lý sợ oan sai cũng dẫn tới sự cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để "nhằm an toàn cho mình".

Trước đó, nhận định về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Năm 2017, tỷ lệ thu hồi tài sản chiếm 29% số tiền, 50% số lượng đất đai tài sản.

Nguyên nhân của thực trạng này là do các đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản. Một số người tẩu tán tài sản ra nước ngoài nên quá trình thu hồi phải phối hợp với các nước, sự sự chênh lệch về pháp lý nên cũng khiến việc xử lý còn khó khăn.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an tăng cường chỉ đạo hướng dẫn cơ quan tố tụng thúc đẩy quá trình điều tra, tập trung thu hồi tài sản cho nhà nước. Nâng cao tiếp nhận tố giác tội phạm, tăng cường phối hợp các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra kiểm tra, có giải pháp phong tỏa tài sản đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, công khai kê khai tài sản của công chức, viên chức tạo điều kiện thuận lợi thu hồi tài sản tham nhũng...

Xuân Phong - Thu Trang/Báo Tin tức
Đại biểu chất vấn xét xử các vụ 'đại án' tham nhũng
Đại biểu chất vấn xét xử các vụ 'đại án' tham nhũng

Sáng 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Một trong những nội dung đại biểu quan tâm là việc xét xử các “đại án” như vụ việc Trương Hồ Phương Nga, vụ việc Hà Văn Thắm và Trịnh Xuân Thanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN