Vai trò của truyền thông chính sách trong việc xây dựng đồng thuận xã hội

Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” diễn ra sáng 1/11, tại Hà Nội do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giảng viên và chuyên gia báo chí - truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch truyền thông chính sách, đánh giá chính sách, thăm dò dư luận xã hội… gắn với các lĩnh vực cụ thể như y tế, năng lượng hạt nhân. Các trao đổi tại hội thảo cũng làm rõ hơn lý luận về truyền thông, truyền thông chính sách và vai trò của truyền thông trong quy trình chính sách.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vi Quang Đạo - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ cho biết: “Ở Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chú ý đến công tác truyền thông chính sách. Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. Quan điểm này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, hướng vào phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn dân quốc tại Việt Nam - ngài Lee Hyuk, năm 2017, Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, trải qua 25 năm, mối quan hệ Hàn - Việt đã phát triển không ngừng. Đến nay, Hàn Quốc đã là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 50 tỷ USD, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc; kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD. Trong năm 2016, có gần 1,75 triệu người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau, Việt Nam là quốc gia mà người Hàn Quốc đến thăm nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số du khách và du học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc cũng ngày càng tăng.

Trên cơ sở những kết quả hợp tác tốt đẹp như trên, năm 2017 là năm để hai nước cùng nhìn lại chặng đường 25 năm qua của mối quan hệ Hàn - Việt và tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc để sự giao lưu, hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển sâu và rộng hơn nữa. Đại sứ Lee Hyuk cho rằng, để làm tốt điều này, vai trò của các nhà truyền thông vô cùng quan trọng, là nhân tố tích cực tạo mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, nhận thức mang tính phương pháp luận về truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội là tiền đề quan trọng để xây dựng mô hình truyền thông hiệu quả. Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội có mối quan hệ mật thiết. Theo đó truyền thông xây dựng đồng thuận xã hội về chính sách và đồng thuận xã hội thúc đẩy quá trình thực thi chính sách. Truyền thông hình thành văn hoá đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng; đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng và thực thi chính sách.

Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách trong việc xây dựng đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng nhằm góp phần triển khai thành công chính sách trong thực tiễn. Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí và truyền thông tạo ra cầu nối giữa chủ thể ban hành chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách. Truyền thông càng tham gia đầy đủ vào các khâu của quy trình chính sách thì hiệu quả và tác động tích cực của chính sách trong thực tiễn càng được nâng lên.


Các đại biểu dự Hội thảo cũng làm rõ các thách thức và yêu cầu đối với truyền thông chính sách trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông xã hội. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng chính phủ điện tử là giải pháp quan trọng. Chính phủ điện tử góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách công, gia tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Các đại biểu cũng đề xuất các mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số, mô hình phối hợp liên ngành trong truyền thông chính sách hay mô hình nâng cao năng lực của công chúng... Việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng các mô hình này trong thực tiễn rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng và thúc đẩy Chính phủ kiến tạo.

Thu Phương
Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/11/2017
Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/11/2017

Từ 1/11, chính sách mới về kinh doanh rượu; cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN