Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Anh: An Đăng/TTXVN
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đồng thời giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ 9.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và cấp bách.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, các nhiệm vụ, giải pháp được phân loại, đề xuất thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW theo 3 nhóm.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này. Đồng thời, thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, là: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; nhất trí với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.
Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, đối với quy định tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm chính sách hỗ trợ lãi suất dự thảo Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết và Nghị quyết số 68-NQ/TW, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.
Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, do thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày được Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán Nghị quyết số 68-NQ/TW; bảo đảm chất lượng, khả thi, không dẫn đến cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách; bảo đảm tinh thần đổi mới, cải cách, đột phá, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng và tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả.