Tích hợp, cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp

Chiều 14/2, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với Bộ Tư pháp và một số cơ quan liên quan về tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, gồm đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với một số đơn vị có liên quan thuộc các Bộ Tư pháp, Công an, Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trao đổi, thống nhất về giải pháp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Qua thực hiện cho thấy, các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh là các thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đồng thời có tần suất thực hiện lớn. Ông Phan dẫn chứng, năm 2018, đăng ký khai sinh là trên 3,7 triệu trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên 562.800 trường hợp; 627.651 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó 30% hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tiếp, qua đường bưu chính, 70% số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến. Năm 2019, đăng ký khai sinh là gần 2,1 triệu trường hợp; 559.810 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; 710.489 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm.

Hiện nay, các địa phương đã thực hiện liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí đi lại cho người dân. Tuy nhiên, còn có thể tiết giảm được đến mức tối đa chi phí thực hiện (thời gian, thành phần hồ sơ) nếu được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công như: cắt giảm giấy chứng sinh khi kết nối với dữ liệu của các cơ sở y tế..., ông Phan nói.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6 địa phương (Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Tây Ninh, Lai Châu) đã tích hợp thủ tục đăng ký khai sinh (1.063 hồ sơ đã được tiếp nhận, xử lý trực tuyến), 16 tỉnh đang thực hiện tích hợp, kiểm thử. Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, 14 tỉnh, thành phố đang thực hiện tích hợp, kiểm thử để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý hộ tịch đã được Bộ Tư pháp triển khai đến 60/63 địa phương. Đây là thuận lợi lớn để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc tại Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, việc triển khai này sẽ giúp địa phương không phải nhập số liệu, hồ sơ nhiều lần vào hệ thống, qua đó giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay, “3 thủ tục trên đã đi rất xa trong ứng dụng công nghệ thông tin”. Đăng ký giao dịch bảo đảm đã cung cấp dịch vụ công ở cấp độ 4. Đăng ký khai sinh trực tuyến cho trẻ đã triển khai ở 60 tỉnh, thành rất thuận lợi. Cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, về cơ bản là thao tác trên môi trường mạng.

Với dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, ở đầu mối của Bộ, việc tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ còn vấn đề kỹ thuật. Với việc đăng ký khai sinh, Bộ Tư pháp chỉ quản lý Nhà nước, không thực hiện trực tiếp. Bộ sẵn sàng chia sẻ thông tin quản lý Nhà nước mà Bộ có.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Với dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp chỉ thực hiện dịch vụ này đối với tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải). Đây là dịch vụ công tốt nhất vì rất nhanh, rất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, toàn bộ thiết kế từ năm 2000 đến nay là của Ngân hàng Thế giới vì nằm trong khoản vay cam kết Chính phủ.

Do đó, Bộ Tư pháp chưa thể trả lời về việc kết nối dịch vụ giao dịch bảo đảm lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ông Ngọc đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến tháo gỡ. Nếu được, chắc chắn việc kết nối không có khó khăn gì vì hiện hệ thống đang chạy rất tốt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới về vấn đề này để làm sao chuyển giao bản quyền về Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến địa phương bày tỏ nhất trí  với việc tích hợp 3 dịch vụ trên lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đề nghị thực hiện càng sớm càng tốt, ngay từ quý I/2020.

Đánh giá cao sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết liệt triển khai tích hợp các dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia với phương châm “lấy cải cách hành chính làm dẫn dắt và công nghệ thông tin làm phương tiện, rút ngắn thời gian thực hiện các dịch vụ công cho người dân".

Bộ trưởng đề nghị với nhóm dịch vụ công đã khai trương ngày 9/12/2019, với những đơn vị nào chưa thực hiện được cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Liên quan đến kết nối của 3 dịch vụ công lĩnh vực tư pháp, Bộ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Hiệu quả từ mô hình 'Một điểm đến' trong dịch vụ công
Hiệu quả từ mô hình 'Một điểm đến' trong dịch vụ công

Nhằm tiếp nhận và giải quyết nhu cầu của khách hàng, cung cấp nhiều dịch vụ tại một điểm tiếp nhận ban đầu, mô hình “Một điểm đến” trong dịch vụ công tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An đang đem lại hiệu quả rất thiết thực cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN