Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng:

Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân

Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiều ý kiến cho rằng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng đất nước.


Phát huy dân chủ trong xã hội

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ vai trò của đại đoàn kết dân tộc. Lần này, dự thảo văn kiện đã chấp nhận những quan điểm khác nhau nhưng không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng tinh thần hướng tới tương lai, xóa bỏ mặc cảm, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, đại đoàn kết phải giải quyết trên cơ sở hài hòa các mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội; các thành viên trong xã hội phải đảm bảo lợi ích của các giai cấp: Công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, dân tộc, tôn giáo… để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Đây cũng là điểm được nhấn mạnh rất rõ trong dự thảo văn kiện.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ sáu (khóa VIII) để góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.

Theo ông Đỗ Duy Thường, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên đối thoại với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; quan tâm giải quyết những vấn đề thắc mắc của nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục thể chế hóa quyền dân chủ trực tiếp, quyền dân chủ đại diện, để phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Quyền dân chủ đại diện là thông qua các cơ quan quyền lực của Nhà nước, cơ quan đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, còn việc phát huy dân chủ trực tiếp chưa được thực hiện nhiều. Văn kiện lần này cần nhấn mạnh việc cụ thể hóa cơ chế về dân chủ trực tiếp của người dân, nhất là làm sao để tiếp tục triển khai thực hiện cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. 

Đó là những điểm phải rất cụ thể. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây chính là quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Quyền này mới được thể chế hóa thông qua Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Việc thực hiện dân chủ hiện vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa quan tâm để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ví dụ, đối với những vấn đề do người dân đề xuất, đóng góp và thực hiện (xây dựng nhà trẻ, trường học, đường giao thông….), người dân phải được bàn, được quyết định trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sau đó người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Dân chủ xã hội chủ nghĩa thì như vậy.

Ông Đỗ Duy Thường nêu rõ: Thực hiện tốt quy chế dân chủ này, trước hết là thực hiện tốt dân chủ trong Đảng. Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội. Đồng thời, phát huy dân chủ trong xã hội là để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội. Mặt trận có quyền tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, có quyền giám sát, phản biện xã hội. Việc phát huy dân chủ trong xã hội trước hết là phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, là những vấn đề văn kiện lần này cần nhấn mạnh.

Xây dựng đất nước theo đúng mục tiêu xã hội chủ nghĩa

Tiến sỹ Phạm Huy Thông, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn nhận xét: Dự thảo văn kiện lần này có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân được đặt lên một vị trí rất quan trọng, trong đó có việc xác định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc phát huy vai trò của Mặt trận vẫn còn hạn chế, ví dụ như một trong những chức năng của Mặt trận là giám sát và phản biện xã hội, nhưng sau khi giám sát xong không được các cơ quan chức năng lắng nghe, phản hồi. Về công tác phản biện xã hội, thời gian qua Mặt trận đã làm được một số vấn đề gây tiếng vang trong dư luận xã hội, nhưng việc này cần được thực hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn, chứ không phải “xuân thu nhị kỳ” mới làm.

Quan tâm đến vấn đề đoàn kết tôn giáo trong đại đoàn kết dân tộc, Tiến sỹ Phạm Huy Thông nhấn mạnh: Dự thảo văn kiện có nhiều điểm mới, điển hình như nội dung Nhà nước “tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo”; “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Các nội dung trên cho thấy, trong Dự thảo lần này, Đảng tiếp tục khẳng định những quan điểm từng được nêu trong các kỳ đại hội trước, đồng thời có sự kế thừa, phát triển, bổ sung một số điểm cho phù hợp với tình hình mới… Đây là điểm tạo sự phấn khởi trong đồng bào các tín đồ tôn giáo.

Phấn khởi với nội dung đổi mới của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này, đã khẳng định nền dân chủ của nước ta là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Tiến sỹ Phạm Huy Thông chỉ rõ: Điều này khẳng định sự khác biệt của Việt Nam với các xã hội khác. Đây là điểm mới và nếu làm rõ vấn đề này về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chúng ta có thể xây dựng đất nước theo đúng mục tiêu xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước dân chủ, công bằng, văn minh.

Phúc Hằng
Góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi)
Góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi)

Ngày 14/10, đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ngành về dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi), trước khi trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN