Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm, tham nhũng

Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng...

 

Lo ngại công chức vô cảm


Phát biểu mở đầu phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đã đề cập tới thực trạng đáng lo ngại trong xã hội hiện nay: Đó là sự vô cảm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức trước những đề xuất của nhân dân; đó là hành vi tạo lập chứng từ để quyết toán những khoản chi mà nếu thực thi theo cơ chế chính sách sẽ không thể thực hiện được; hay lợi ích nhóm trong việc chỉ định thầu bất chấp giá cả, công nghệ, chất lượng công trình; việc sử dụng hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân... Những hành vi này hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, gây nên sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm xuống cấp của đạo đức xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân.


 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh). Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Để tháo gỡ những thực trạng đã nêu, đại biểu Đỗ Thị Hoàng nhấn mạnh tới việc cần phát huy hiệu quả của cả hệ thống chính trị; cần rà soát, sắp xếp lại những quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, mối quan hệ, cơ chế phối hợp, cơ chế giám sát phản biện xã hội cụ thể để phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cả trong gia đình và ngoài xã hội; phát huy vai trò của HĐND các cấp, các tổ chức thanh tra, kiểm tra.

 

Thi hành án dân sự còn tồn đọng nhiều


Vấn đề tồn đọng trong thi hành án dân sự là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận. Tán thành với những nội dung đã đề cập trong báo cáo, các đại biểu đã đi sâu phân tích, lý giải những lý do khiến cho tình trạng này chậm được cải thiện. Tán thành với nhiều nguyên nhân cũng như những giải pháp đã được cơ quan chức năng nêu ra, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần chú trọng xây dựng đội ngũ chấp hành viên. Việc tăng cường xây dựng đội ngũ chấp hành viên sẽ quyết định tới chất lượng, hiệu quả của thi hành án.


 

Đại biểu Quốc hội Hà Hùng Cường (Quảng Bình). Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải trình, làm rõ hơn về công tác thi hành án dân sự. Về số việc và tiền phải thi hành còn nhiều, trong năm 2012 không hoàn thành chỉ tiêu giảm án chuyển kỳ sau, Bộ trưởng cho rằng đây là một thực tế mà Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận trong báo cáo trình Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định: Kể từ khi thi hành Luật Thi hành án dân sự đến nay, công tác thi hành án đã có những chuyển biến cơ bản, bền vững; các cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành số lượng lớn những vụ việc và tiền phải thi hành án, kết quả năm sau cao hơn năm trước và giảm đáng kể số việc chuyển sang kỳ sau.


Đề cập tới những băn khoăn của đại biểu Tô Văn Tám về việc đề ra chỉ tiêu thi hành án năm 2013 thấp hơn năm 2012, Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đang phối hợp với Viện KSND tối cao, viện kiểm sát các cấp, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện để phân loại án chính xác nhất. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới “đột biến” là vụ án Vinashin. “Khi bản án chuyển sang thi hành án là thi hành án phải có trách nhiệm thi hành ngay, cho nên một số lượng rất lớn sẽ tăng lên, 950 tỷ đồng tiền phạt trong vụ án Vinashin sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu của năm 2013” - Bộ trưởng lý giải.

 

Nhức nhối tội phạm vị thành niên


Một vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua đó là tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên. Đây là mối quan tâm lo ngại của toàn xã hội đã được nhiều đại biểu phân tích, đề xuất phương hướng khắc phục.

 

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh). Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhận định nguyên nhân của tình trạng này do môi trường giáo dục hiện đang có “vấn đề”. Theo đại biểu cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa tới việc giáo dục ngoài nhà trường; cần nâng cao vai trò của cán bộ làm công tác xã hội ở các xã, phường, thôn, bản. Đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Giáo dục nhân cách của một con người rất công phu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo thành thế chân kiềng vững chắc mới có thể giảm trẻ vị thành niên phạm tội.


Chia sẻ với các đại biểu về nỗi lo lắng trước thực trạng báo động của tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đánh giá: Trẻ em phạm pháp có nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tổng hòa từ sự giáo dục của gia đình, của nhà trường, của xã hội. Phân tích về nguồn gốc phát sinh tội phạm, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Tòa án nhân dân tối cao đã có đề án xây dựng Tòa án hôn nhân, gia đình và trẻ em và đang trong quá trình để trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào mô hình tổ chức tòa án sắp tới.

 

Kê khai tài sản chưa hiệu quả


Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã phân tích, làm sâu sắc hơn một số nội dung và giải pháp liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng Thanh tra đồng quan điểm với các ý kiến nhận xét cho rằng giải pháp phòng ngừa vừa qua thực hiện chưa có hiệu quả, cũng còn nhiều giải pháp phòng ngừa mang tính hình thức. Trong năm, các đơn vị chức năng đã tuyên truyền được hơn 3 triệu lượt cán bộ, công chức và 15 triệu lượt nhân dân, tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số liệu này so với tỷ lệ dân số cũng chưa đáng kể, Tổng Thanh tra cho hay.


Về các giải pháp phòng ngừa, trong 9 giải pháp phòng ngừa đã ban hành, thống kê cho thấy có 4 giải pháp phòng ngừa được đánh giá là có hiệu quả tích cực, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch của các cơ quan tổ chức, đơn vị, xây dựng chế độ định mức tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử. Hai giải pháp đánh giá lại kết quả trung bình là chuyển đổi vị trí công tác và xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ba biện pháp được đánh giá là hiệu quả thấp và còn hình thức đó là kê khai tài sản thu nhập, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng. Theo Tổng Thanh tra, vấn đề công khai minh bạch trong thời gian vừa qua đã làm được một bước nhưng thực sự chưa đầy đủ, có những trường hợp lợi dụng bí mật Nhà nước không thực hiện công khai minh bạch theo quy định của pháp luật.


Làm rõ hơn những quan tâm của đại biểu Quốc hội về việc thanh tra nhiều nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản và tiền của Nhà nước rất thấp, Tổng Thanh tra thẳng thắn nhìn nhận đây là một khiếm khuyết, hạn chế của ngành thanh tra trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân. Ngành thanh tra hàng năm có trên 10.000 cuộc thanh tra, thanh tra ở các cấp, các ngành, kể cả thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, bên cạnh có nhiều cuộc thanh tra chất lượng tốt vẫn còn có một số cuộc thanh tra chất lượng không cao, tính khả thi không cao.

 

Quy định cụ thể hành vi tham nhũng


Chưa hài lòng với nhiều điểm trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tại Kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị trong Dự thảo Luật cần định nghĩa rõ thế nào là hành vi tham nhũng; xác định cụ thể như thế nào được xếp là hành vi tham nhũng, tránh nói chung chung...


Cũng liên quan đến giải thích hành vi tham nhũng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tham nhũng có thể xảy ra ở mọi cấp, từ thôn, xã, phường đến đến cơ quan Trung ương. Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần quy định chi tiết hành vi tham nhũng, mức độ tham để có cơ sở đối chiếu, xác định các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong thực tế chứ không nên gộp tất cả các sai phạm của cán bộ các cấp là tham nhũng.

 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh kiến nghị Dự thảo Luật cần định nghĩa đầy đủ khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn”; đề xuất các cơ quan, đơn vị công khai minh bạch nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ để người dân nắm rõ; kiểm tra và giám sát.


Tán thành với phương án chỉ cần kê khai tài sản đối với những người có chức vụ quyền hạn và đảng viên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng, việc công khai tài sản thu nhập như trong Dự thảo Luật tại nơi công tác, nơi ở là vẫn mang tính hình thức. Đại biểu Thanh cho rằng, trên thực tế, cán bộ, nhân viên cấp dưới rất khó để phản ứng với việc kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đại biểu Ngọc Thanh đề xuất, việc niêm yết công khai tài sản, thu nhập không nên chỉ bó hẹp ở cơ quan, nơi cư trú mà có thể công khai trên mạng để mọi người theo dõi.

 

Cơ chế bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm người đứng đầu


Cho rằng nếu thiếu cơ chế pháp luật bảo vệ, sẽ không còn người tố cáo tham nhũng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất Dự thảo Luật cần có chế tài đối với những đối tượng liên quan để quy trách nhiệm, nhằm bảo vệ người tố cáo. Nếu người nào cố tình để lộ thông tin ảnh hưởng tới người tố cáo thì cũng phải bị xử lý. Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí trong phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nghĩa đề nghị cần có cơ chế thích hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho báo chí tham gia tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, đồng thời bảo vệ nguồn tin của báo chí.


Các đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đều nhận định, Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này vẫn chưa quy định rõ ràng việc xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.


Không đồng tình với các quy định liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu trong dự thảo, đại biểu Đỗ Văn Đương đưa quan điểm, Luật phải có quy định phù hợp để đảm bảo vừa phát huy trách nhiệm kiểm tra, giám sát đồng thời cũng nghiêm khắc xử lý người đứng đầu nếu có hành vi bao che, tạo điều kiện cho tham nhũng.

 

Mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng


Góp ý về việc thành lập Cơ quan điều tra độc lập chống tham nhũng, đại biểu Đỗ Văn Đương viện dẫn, thời gian qua, nhiều cơ quan như thanh tra, kiểm toán phát hiện các vụ tham nhũng nhưng do thiếu tính độc lập nên khả năng xử lý hình sự các trường hợp vi phạm bị phát hiện còn ít. Đại biểu Đương kiến nghị nên giao trách nhiệm điều tra chuyên trách phòng chống tham nhũng cho Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là hợp lý.


Góp ý với cơ quan soạn thảo dự án Luật về mô hình Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, các đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, địa vị pháp lý của Ban chỉ đạo chưa thực sự rõ ràng, nhất là ở cấp tỉnh, thành phố. Các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể thẩm quyền, vị trí pháp lý của Ban chỉ đạo để đảm bảo hiệu quả hoạt động nhất là trong công tác thanh tra, giám sát, điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng.


Quỳnh Hoa - Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN