Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Hoesung Lee. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác giữa IPCC với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề.
Thủ tướng cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Việt Nam với tốc độ rất nhanh. Năm 2016, Việt Nam chịu thiệt hại từ thiên tai hạn hán, bão lụt rất nặng nề nhất trong vòng 30 năm qua, ảnh hưởng lớn tăng trưởng kinh tế và là nguyên nhân quan trọng cản trở việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội. Vì thế, Thủ tướng mong muốn IPCC hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị IPCC chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khí tượng thuỷ văn Việt Nam tham gia vào nhóm nghiên cứu của IPCC nhất là về biến đổi khí hậu.
Việt Nam mong IPCC chia sẻ về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ về kỹ thuật, thiết bị để Việt Nam đánh giá chính xác hơn về tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tập trung vào các vấn đề ngập lụt, xâm nhập mặn, biến đổi địa chất... Việt Nam cũng mong muốn IPCC phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện các thoả thuận Hội nghị COP21 mà Việt Nam đã tham gia.
Về phần mình, cảm ơn Thủ tướng đã giành thời gian tiếp, ông Hoesung Lee vui mừng thông báo với Thủ tướng về thành công của hội thảo giữa IPCC với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam; cho biết, các đại diện cơ quan quan trọng của IPCC đều có mặt tại Việt Nam lần này, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của IPCC hợp tác với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Hoesung Lee nêu rõ, IPCC cũng nhận thức đầy đủ mọi thách thức về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang gặp phải và đang triển khai các hoạt động nghiên cứu biến đổi khí hậu trên toàn cầu. IPCC đã tổng hợp và đưa ra báo cáo kết luận rõ đó mức độ thiệt hại do biến đổi khí hậu là 2,2% GDP cho đến cuối thế kỷ này, cao gấp 4 lần so đánh giá trước đây. Ngài Hoesung Lee tin tưởng các nhà khoa học Việt Nam sẽ có nghiên cứu có giá trị, góp phần hỗ trợ IPCC hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng này vì mục tiêu chung tay ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Điều phối viên Thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốcChiều 24/10, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập tổ chức Liên Hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam không chỉ coi trọng mà còn luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp hơn với các cơ quan của Liên Hợp quốc với tư cách là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Pratibha Mehta. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của Liên Hợp quốc, nhất là trong việc gìn giữ, duy trì và phát triển hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới. Liên Hợp quốc đã phát huy vai trò hết sức quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng người di cư, xử lý dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và các ứng phó với các sự cố thiên tai, thảm họa khác.
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc trên mọi lĩnh vực trong suốt nhiều năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự đóng góp, hỗ trợ quan trọng của Liên Hợp quốc đối với nhân dân Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng đề nghị hai bên cần sớm tiến hành tổng kết, thống nhất, định hướng những nội dung hợp tác mới trong thời gian tới, nhất là vào năm 2017 hai bên kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực trách nhiệm và hiệu quả của bà Pratibha Mehta trong việc điều phối, triển khai các chương trình, dự án của Liên Hợp quốc tại Việt Nam và trong việc thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan của Liên Hợp quốc.
Cảm ơn những lời nói tốt đẹp, tình cảm của bà Pratibha Mehta đối với đất nước và con người Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, dù trên cương vị nào bà Pratibha Mehta vẫn sẽ tiếp tục dành tình cảm, ủng hộ phát triển quan hệ giữa Liên Hợp quốc với Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bà Pratibha Mehta trân trọng chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Bà Pratibha Mehta cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian qua đã có nhiều sự phát triển và dấu ấn mới, nhất là Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; đồng thời Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và đang là thành viên Ủy ban Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.
Bà Pratibha Mehta hoan nghênh những nỗ lực và vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) cũng như trong tiến trình xây dựng và chuẩn bị triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình Nghị sự 2030 hướng tới giai đoạn phát triển toàn cầu mới theo hướng bền vững và toàn diện hơn góp phần vào sự phát triển chung của toàn thế giới.
Bà Pratibha Mehta chúc mừng nhân dân và Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nổi bật là công tác xóa đói, giảm nghèo; cho rằng, thành tựu này đã giúp nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bà Pratibha Mehta cũng nhấn mạnh, Liên Hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ MDGs và thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030.
Liên Hợp quốc cũng mong muốn sớm ký kết Kế hoạch hợp tác chung giai đoạn 5 năm tới với Việt Nam và tiếp tục là đối tác phát triển tin cậy và có trách nhiệm với Việt Nam trong thời gian tới, để Việt Nam tiếp tục đóng vai trò như 1 quốc gia là hình mẫu cho sự phát triển.
Bày tỏ những ấn tượng sâu đậm về đất nước và con người Việt Nam, Bà Pratibha Pratibha Mehta cho rằng, nhiệm kỳ 5 năm làm việc vừa qua tại Việt Nam là một vinh dự đối với bản thân mình và khẳng định dù không còn sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhưng sẽ luôn hướng về Việt Nam và sẽ tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.