Sáng 14/9, tại thủ đô Giacácta, lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, đang thăm chính thức Cộng hòa Inđônêxia, đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống. Ngay sau lễ đón, Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp xã giao và hội đàm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia; đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn Inđônêxia là một trong những nước đầu tiên đi thăm sau khi được tái bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đã thông báo tình hình chính trị, kinh tế, đối ngoại của mỗi nước. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono chúc mừng thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Việt Nam; đánh giá cao những biện pháp kịp thời và kiên quyết của Việt Nam nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Inđônêxia đã nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khắc phục hậu quả thiên tai liên tiếp và đặc biệt đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 18 (5/2011), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 44 và các hội nghị liên quan (7/2011).
Về quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhất trí cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ, nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau và chỉ đạo Chính phủ hai nước để đưa quan hệ Việt Nam - Inđônêxia lên một tầm cao mới, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, nông - ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao…
Đánh giá cao việc hai nước duy trì cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 của ủy ban này, đồng thời hoan nghênh đề xuất của Inđônêxia về việc thành lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ hết sức ủng hộ Inđônêxia hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2011, góp phần thúc đẩy liên kết nội khối và tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono, hai bên đã ra Thông cáo chung, đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Inđônêxia trong hơn 55 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955; nhất trí thúc đẩy quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã chứng kiến lễ ký Chương trình Hành động Việt Nam - Inđônêxia giai đoạn 2012-2015 và Bản ghi nhớ về các hoạt động chung tăng cường trao đổi thông tin và tham khảo song phương giữa hai Bộ Ngoại giao.
Gặp gỡ báo chí sau hội đàm, thay mặt các thành viên trong Đoàn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và tình cảm thân tình, chu đáo mà Tổng thống và Chính phủ Inđônêxia đã dành cho Đoàn Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hai bên vừa có cuộc hội đàm cởi mở, thân tình và hữu nghị. Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới; tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, ngư nghiệp - thủy sản… đồng thời phấn đấu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như giáo dục - đào tạo, y tế, thông tin - truyền thông, du lịch, thể thao, văn hóa và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Inđônêxia đầu tư vào Việt Nam, đề nghị Chính phủ Inđônêxia có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, hai bên đã thảo luận về hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho biết, hai bên đã trao đổi, thống nhất nâng cao quan hệ trong thời gian tới. Theo đó, hai bên thống nhất tăng cường đối thoại ở cấp Bộ trưởng ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, ngư nghiệp, thủy sản, công nghiệp...
Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh, Inđônêxia luôn coi Việt Nam như một trung tâm đầu mối tại tiểu vùng sông Mê Công, do đó Inđônêxia sẽ tăng cường các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD vào trước năm 2015, đặc biệt thúc đẩy lĩnh vực đầu tư tư nhân, tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp hai nước vào đầu tư tại thị trường của nhau. Lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ, lương thực cũng được thống nhất tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng.
Về tình hình khu vực và thế giới, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono khẳng định lập trường ủng hộ giải quyết các vấn đề còn nhận thức khác nhau trên Biển Đông bằng con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.