Thủ tướng hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Pháp

Nhân dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), chiều 1/12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher và Chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với ngài Gerad Larcher, Chủ tịch Thượng viện Pháp. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với Quốc hội và nhân dân Pháp trước những mất mát và đau thương do các vụ tấn công khủng bố gây ra ngày 13/11 tại Paris.

Thủ tướng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà Chính phủ và Quốc hội Pháp dành cho đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị COP 21 lần này.

Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Pháp cảm ơn tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Pháp trong giờ phút khó khăn vừa qua, đồng thời đánh giá cao quyết tâm tham gia và tích cực đóng góp của Việt Nam cho hội nghị COP 21, cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ứng phó với các thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Nghị viện Pháp bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Pháp và của sự hợp tác giữa nghị viện hai nước trong những năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống hữu nghị và gắn bó giữa hai dân tộc, nêu rõ hai nước đã vượt qua khó khăn trở thành người bạn rồi đối tác chiến lược của nhau, cảm ơn sự đóng góp và ủng hộ của Thượng viện, Quốc hội Pháp và Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt trong hai viện cho việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự tham gia và đóng góp tích cực của đoàn nghị sỹ Pháp vào thành công của Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 tại Hà Nội tháng 3/2015 và chuyển lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới các vị lãnh đạo nghị viện Pháp.

Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher khẳng định Thượng viện Pháp coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực và việc đẩy mạnh triển khai các nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã thiết lập năm 2013.

Thượng viện Pháp và nhất là Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt trong Thượng viện đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú ủng hộ cho quan hệ Pháp - Việt.

Chủ tịch Quốc hội Claude Bartelone nêu rõ Quốc hội Pháp luôn mong muốn Việt Nam và Pháp trở thành những đối tác tin cậy của nhau, đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực và trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chủ tịch Claude Bartelone cho biết nhiều nghị sĩ Quốc hội Pháp là những người hoạt động rất tích cực, đóng vai trò đầu mối và kết nối đối tác, nhất là trong quan hệ giữa các địa phương và tổ chức quần chúng hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với hai chủ tịch về hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10 dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào tháng 9/2016 và mong Thượng viện và Quốc hội Pháp ủng hộ, vận động các địa phương Pháp tham gia hội nghị một cách đông đảo, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác rất đặc thù giữa Việt Nam và Pháp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với ngài Claude Bartolone, Chủ tịch Hạ viện Pháp. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Pháp hoan nghênh sự kiện này, khẳng định sự gắn bó của cả Thượng viện và Quốc hội Pháp với hợp tác giữa các địa phương hai nước và sẽ tham gia tích cực vào hội nghị.

Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Pháp đều nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng người Việt tại Pháp đóng góp cho việc giữ gìn và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc, hoan nghênh sự gia tăng trao đổi sinh viên cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước trong những năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hai nhà lãnh đạo Nghị viện Pháp đều nhất trí cho rằng hai nước cần đưa quan hệ hợp tác song phương phát triển một cách thiết thực và hiệu quả, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của hai nước trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Pháp là một đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam; đề nghị Thượng viện và Quốc hội Pháp tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối đối tác; vận động Chính phủ Pháp duy trì hợp tác phát triển với Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Thượng viện và Quốc hội Pháp hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), ủng hộ sớm ký chính thức và nhanh chóng triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher và Chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone khẳng định Thượng viện và Quốc hội Pháp ủng hộ việc tăng cường quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, hứa sẽ nhanh chóng hoàn tất phê chuẩn PCA và thúc đẩy và vận động Chính phủ Pháp ủng hộ EVFTA, góp phần mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – EU nói chung và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp nói riêng.

Thủ tướng và lãnh đạo Thượng viện và Quốc hội Pháp đã trao đổi về tình hình tại Biển Đông, về những diễn biến đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực có tuyến hàng hải lớn kết nối châu Âu và Đông Á.

Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Pháp nhất trí cho rằng các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nhấn mạnh an ninh, an toàn hàng hải luôn là những ưu tiên cao của Pháp.

Đêm 1/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời thủ đô Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Pháp, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc UNESCO

Chiều 1/12 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và tiếp bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO.

Đây là hoạt động nhân chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) của Thủ tướng.

Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO bày tỏ hân hạnh đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm, coi đây là một biểu hiện của quan hệ gắn bó giữa UNESCO và Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của tổ chức.

Bà nhấn mạnh Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa các nước thành viên của UNESCO, đã có những đóng góp hiệu quả vào việc bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của nhân loại cũng như thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Irina Bokova cũng đánh giá cao Việt Nam là một trong 10 nước thực hiện thí điểm hiệu quả mô hình "một Liên hợp quốc" và ủng hộ việc Việt Nam đưa cán bộ vào làm việc tại UNESCO. Bà Irina Bokova khẳng định văn phòng của UNESCO tại Việt Nam là một trong những văn phòng hoạt động năng động, mong muốn Việt Nam hỗ trợ UNESCO tăng cường hợp tác với ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng đến thăm UNESCO, một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hợp quốc với 195 nước thành viên, có nhiều đóng góp cho việc duy trì hòa bình trên thế giới thông qua hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh kể từ khi trở thành thành viên của UNESCO năm 1976 đến nay, Việt Nam luôn chủ trương xây dựng mối quan hệ hợp tác tin cậy với UNESCO và các quốc gia thành viên.

UNESCO đã trở thành một tổ chức gần gũi với nhân dân Việt Nam và có nhiều đóng góp thiết thực tới từng gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư ở Việt Nam; nhiều tri thức, kinh nghiệm của UNESCO là nguồn tham khảo quý cho việc xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự tin tưởng của các nước thành viên UNESCO lần thứ tư đã lựa chọn Việt Nam vào Hội đồng chấp hành, nêu rõ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các thành viên khác tham gia một các chủ động trong các quyết sách của UNESCO, thể hiện vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, ủng hộ các hồ sơ đề cử di sản thế giới của Việt Nam.

TTXVN/Tin Tức
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại COP21
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại COP21

Sáng 1/12 (theo giờ Việt Nam) tại trung tâm hội nghị Bourget ở thủ đô Paris ( Pháp), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN