Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Đoàn Hưng Yên): Thời gian qua có hiện tượng khi giải quyết các vụ án hành chính thì người bị kiện là Chủ tịch UBND các cấp không hợp tác, hoặc không có mặt hay thường cử người không đủ thẩm quyền đến toà thay. Tình trạng này dẫn đến chậm trễ trong giải quyết án hành chính, gây bức xúc và đến nay vấn đề này chưa có chuyển biến. Giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho rằng một trong những nguyên nhân là do một số Thẩm phán còn nể nang và ngại va chạm. Chánh án có đồng tình với nhận định này hay không và có giải pháp mạnh mẽ gì để khắc phục?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết: Từ kết quả giám sát chuyên đề của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cũng như từ thực tiễn hoạt động của ngành Toà án cho thấy việc giải quyết án hành chính có 3 tồn tại chính. Một là tỷ lệ giải quyết án thấp so với yêu cầu của Quốc hội, hai là số lượng án hành chính tồn đọng nhiều, ba là thời gian kéo dài. Nguyên nhân được chỉ ra trong báo cáo giám sát chuyên đề, trong đó, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, nguyên nhân cũng đã được đại biểu Vũ Thị Nguyệt đặt ra trong phần đặt câu hỏi của mình đó là, sự thiếu vắng các chủ thể có liên quan trong việc giải quyết án hành chính tại Toà án.
Về phía chủ quan, đại biểu cũng nêu ra có hay không việc Thẩm phán e ngại khi giải quyết án hành chính. Nguyên nhân này có, nhưng không phải là chủ yếu và đã giảm dần, vì hiện nay theo quy định của Luật không còn tình trạng Toà cấp huyện giải quyết các vụ án hành chính cấp huyện cũng như cấp xã, mà tất cả đã được đưa lê tỉnh để giải quyết. Vị vậy có thể nói, nguyên nhân này có nhưng đã được hạn chế rất đáng kể. Tuy vậy, về phía Toà án cũng đã đặt ra một loạt các giải pháp khắc phục những nguyên nhân chủ quan do lỗi từ phía Toà án.
"Chúng tôi đã tăng cường Thẩm phán cho đội ngũ giải quyết các án hành chính, tăng cường việc hướng dẫn pháp luật, đề cao trách nhiệm của các Thẩm phán trong việc giải quyết án hành chính. Đồng thời, có một Chỉ thị về việc rà soát tất cả các án hành chính đang tồn đọng để tập trung giải quyết, nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết này lên theo yêu cầu của Quốc hội", Chánh án cho biết.
Đồng thời Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng, cũng cần có sự tham gia rất tích cực theo quy định của luật của các uỷ ban hành chính thì Toà án mới giải quyết được triệt để tình trạng này.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình thông tin, Toà án cũng đang áp dụng giải pháp căn cơ khác là tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết án hành chính. Bởi vì giải quyết án án chính, thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan chính quyền thông qua các quyết định hành chính của mình.
Theo Chánh án, nếu như chúng ta đối thoại tốt, tạo ra sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền để hai bên lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn thì Toà không phải xử. Và với giải pháp này từ thực tiễn thí điểm Hải Phòng và đang triển khai thí điểm ở 16 tình, thành phố khác cho thấy đã tháo gỡ được khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật, cũng như những thiếu vắng trong quy định của pháp luật. Tức là khi đối thoại thì không nhất thiết phải Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND đang tham gia đối thoại, chỉ cần người dân, người nắm được việc và có thẩm quyền nhất định tham gia đối thoại thì có thể tạo được sự đồng thuận, chứ không cần quy định "cứng" của luật là nhất thiết phải có sự có mặt của Chủ tịch, hoặc uỷ quyền đến Phó Chủ tịch UBND.
"Với việc thí điểm như thế này, chúng tôi cho rằng đây là cơ chế căn cơ và rất mong các địa phương ủng hộ chủ trương này", Chánh án Nguyễn Hoà Bình bày tỏ.