Suốt đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng

Cũng đã khá lâu rồi tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với cụ. Ở cái tuổi 95, sức lực và trí nhớ đều đã giảm, nhưng lần nào trò chuyện, cụ Lê Thị Tâm, cán bộ Lão thành cách mạng ở tổ 13B, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) cũng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng với sự hào hứng, sôi nổi và nhiệt huyết như một ngọn lửa đang bùng cháy trong tim.

Một lòng theo Cách mạng

Giở từng trang hồi ký như lần tìm lại thuở thanh xuân của hơn 70 năm trước, nhẹ nhàng như những thước phim quay chậm, cụ kể: Quê gốc ở làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), nhưng sinh ra và lớn lên ở thị xã Hà Đông (năm 1923). Do cuộc sống đói khổ, nên năm 1937, gia đình đưa tôi di tản lên Hòa Bình sinh sống. Lúc này, mới 14 tuổi nhưng hàng ngày, tôi phải chứng kiến cảnh các đoàn tù chính trị bị giặc Pháp trói, dẫn giải từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) ngược lên giam giữ ở nhà tù Sơn La và mỗi khi đến khu vực thị xã Phương Lâm (Hòa Bình), bọn cai đội, binh lính cho phạm nhân nghỉ chân và ngủ lại chợ Phương Lâm. Với lòng yêu nước, sự căm ghét chế độ bất công, nên tôi đã tìm mọi cách để tiếp cận, giúp đỡ những người tù chính trị bị đàn áp thông qua việc quyên góp quần áo, thuốc bệnh, thuốc đòn, khi thì quà bánh… để gửi tặng hoặc vận động nhiều người đến nghe tù chính trị diễn thuyết, bảo vệ tù nhân, phản đối tội ác của giặc Pháp. Chính ở nơi này, tôi đã được những người tù Cộng sản bị giam giữ giác ngộ con đường cách mạng giải phóng dân tộc và bắt đầu từ đây, đi trên con đường cách mạng đầy gian truân nhưng bền bỉ, vững chãi và kiên cường.

Cụ Tâm kể cho phóng viên nghe về cuộc đời làm cách mạng của cụ.

Năm 1942, nhà tù Sơn La đông phạm nhân, giặc Pháp lại chuyển bớt những người tù Cộng sản về nhà tù Hòa Bình. Tại đây, có Chi bộ nhà tù do đồng chí Đức Thọ làm Bí thư đã tuyên truyền, vận động và cách mạng khởi nghĩa thị xã Hòa Bình cũng bắt đầu đứng lên. Năm 1943, tôi được tham gia vào Hội cứu tế (sau gọi là Hội Ái Hữu) do các tiểu thương chợ Phương Lâm thành lập với các nghề như: Tổ Ái hữu thợ may, cắt tóc, tiểu thương, thể thao văn nghệ… Đầu năm 1944, tôi được bầu vào làm tổ trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc thị xã Hòa Bình. 

Trong khí thế sục sôi cách mạng, mặc dù đói khát, điều kiện khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn hăng hái tham gia thực hiện rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu để tuyên truyền nhân dân tham gia mặt trận Việt Minh, chống Pháp giành độc lập dân tộc. Vì vậy, phong trào cách mạng ở thị xã Hòa Bình phát triển mạnh và lan rộng khắp các vùng trong tỉnh.

Cuối năm 1944, tôi vào đội Tự vệ đỏ rồi được Ban cán sự Đảng tỉnh cử lên Chiến khu Giằng Xèo, xã Tu Lý, huyện Mai Đà (nay là huyện Đà Bắc) học lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh. Trở về từ Chiến khu sau khi đã hoàn thành lớp huấn luyện quân sự, tôi tiếp tục cùng những người đồng chí, đồng đội tích cực xây dựng phong trào cách mạng tại thị xã Hòa Bình.

Cụ Lê Thị Tâm kể tiếp: Hoạt động cách mạng trong điều kiện vừa phải giữ bí mật, lại vừa phải đẩy mạnh phong trào ở khắp nơi, tạo khí thế đấu tranh sôi nổi, liên tục trong sự kiểm soát gắt gao của những kẻ xâm lược và bè lũ tay sai. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, nhưng với tinh thần quả cảm, sáng tạo những chiến sỹ cộng sản đã trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào cách mạng tại địa phương, làm cho giặc Pháp và bè lũ tay sai run sợ. Đến nỗi bọn chúng đã bắt bớ, dụ dỗ người thân và treo phần thưởng rất lớn cho những ai bắt hoặc giết được những chiến sỹ cộng sản ưu tú. Nhưng với sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, cụ Tâm và những người chiến sỹ cộng sản đã cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng, lãnh đạo phong trào cho đến ngày giành lại chính quyền về tay nhân dân (ngày 23/8/1945).

Cụ Tâm cùng con trai đang giở lại những kỷ niệm thời kháng chiến.

Sau cách mạng, cụ Tâm được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng của tỉnh và thị xã như: Bí thư Phụ nữ cứu quốc, giáo viên bình dân học vụ, Ủy viên Ủy ban hành chính kiêm Bí thư phụ nữ thị xã… và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương (tháng 11/1946). Đến tháng 2/1947, cụ được Tỉnh ủy cử vào huyện Đà Bắc làm Bí thư phụ nữ và Huyện ủy phân công trực tiếp xây dựng Đảng ở 4 xã: Hiền Lương, Tu Lý, Hào Tráng và Toàn Sơn. Đặc biệt, ở đây cụ đã củng cố được chính quyền các xã, tranh thủ được tầng lớp Lang đạo (đứng đầu xứ Mường) phát động nông dân lao động thành lập các đoàn thể cứu quốc, dân quân tự vệ, Mặt trận Việt Minh tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ. 

Những quần chúng trung kiên được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng đã được lựa chọn để kết nạp Đảng. Trong một thời gian ngắn (tháng 11/1947) cụ Tâm đã kết nạp được 2 đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng xã Hiền Lương do cụ trực tiếp làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đà Bắc. Năm 1998 được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Dưới sự phân công của cụ, các đảng viên đã giới thiệu và kết nạp được thêm nhiều đảng viên mới. Đến năm 1949, 4 Chi bộ (Hiền Lương, Tu Lý, Hào Tráng, Toàn Sơn) đã được tách riêng và có đủ điều kiện lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Với những thành tích đó, Cụ đã vinh dự 4 lần gặp Bác Hồ và được Bác gửi Giấy tặng khen “Là cán bộ kiểu mẫu đã tổ chức dân chúng chống giặc, lập lại và giữ vững chính quyền nhân dân ở địa phương”, Giấy khen “ Chiến sỹ sông Đà”, Huy hiệu của Người và bộ quần áo lụa. 

Học tập và làm theo Bác

Càng kể về mình, khuôn mặt cụ càng rạng rỡ hơn, bởi được sống lại những giây phút ngắn ngủi bên Bác năm xưa. Cụ Tâm còn nhớ như in lần đâu tiên được gặp Bác (năm 1951), cụ được bầu là đại biểu chính thức dự họp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Việt Bắc. Lần thứ 2, (cùng năm 1951), cụ được bầu đi dự Đại hội thống nhất Việt Minh liên Việt toàn quốc ở Việt Bắc). Ở hai Đại hội này, cụ Tâm đều được Bác mời lên ăn cơm cùng Bác và các đại biểu dự Đại hội, chụp ảnh kỷ niệm rồi Bác dặn dò: “ Cháu đã có chồng, con. Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn, cuộc kháng chiến còn gian khổ nhiều, cháu phải cố gắng không được bỏ công tác”. Vì vậy, mỗi khi ốm đau, đói khổ, nhớ đến lời khuyên của Bác, cụ lại cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt những công việc sau này được Đảng và nhân dân giao phó như: Phụ trách công tác Tuyên giáo huyện Mai Đà, Ban cán sự Đảng thị xã Hòa Bình, công tác Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị xã, phó Bí thư, Bí thư Phụ nữ và là Ủy viên Ủy ban hành chính thị xã …Lần thứ 3 vào năm 1958, Bác Hồ về thăm Hòa Bình tại Bến Ngọc, huyện Kỳ Sơn và lần thứ 4 là vào năm 1961, cụ được bầu là đại biểu chính thức đi dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Những lần được vinh dự gặp Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã để lại cho cụ bài học lớn về tác phong làm việc suốt đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Và những lời dạy bảo của Người luôn là kim chỉ nam giúp cụ rèn luyện, phấn đấu sau này. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, cụ Lê Thị Tâm cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là người phát động, thúc đẩy những phong trào cách mạng tại địa phương. Kể cả khi về nghỉ hưu (1976), cụ Tâm vẫn tham gia công tác phụ nữ của phường, xã; tổ hòa giải; Hội đồng tư vấn Tỉnh ủy. Đặc biệt là, cụ đã thành lập được một tổ truyên trách công tác “đặc biệt” về hướng dẫn hồ sơ Lão thành cách mạng và Tiền khởi nghĩa. 

Với công việc này, cụ đã giúp đỡ, hướng dẫn cho gần trăm gia đình có người  hy sinh mà chưa được công nhận Anh hùng liệt sỹ, liệt sỹ, thương, bệnh binh và những người tham gia cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng. 

Cho đến bây giờ, khi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ vẫn lựa chọn con đường duy nhất đó là con đường cách mạng - con đường đã đưa dân tộc Việt Nam từ vị thế bị áp bức bóc lột trở thành những người làm chủ đích thực với cuộc sống tự do, hạnh phúc, cụ Tâm nhấn mạnh: “Điều đó đã được minh chứng bằng những bước phát triển vượt bậc về các mặt đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Hòa Bình trong những năm qua.

Với những thành tích đó, cụ Tâm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương chống Pháp hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Hai, Huy chương Đại đoàn kết dân tộc, vì sự nghiệp Giáo dục, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Dân vận, chữ thập đỏ, bảo vệ chính trị nội bộ và kiểm tra Đảng cùng nhiều Giấy khen bằng khen của Trung ương, tỉnh.
Bài và ảnh: Vũ Hà
Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc
Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc

Ngày 21/6/1925, báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Cùng với tác phẩm “Đường Kách mệnh”, báo Thanh niên trở thành một trong những công cụ, tài liệu tiếng Việt đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN