Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực thực hiện 'mục tiêu kép'

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 24/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021, Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đẩy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đề án quan trọng phát triển đất nước như phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.

Báo cáo của Chính phủ thể hiện trên 6 nội dung gồm: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động; và thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Trong đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao.

Chính phủ cũng kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao, góp phần vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020; giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục...

Chưa tổng hợp được các dự án “treo”

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ, song đề nghị làm rõ nguyên nhân của những hạn chế để chấn chỉnh như tình trạng chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn xảy ra; một số báo cáo còn hình thức, đánh giá còn chung chung; tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, kể cả văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm...

Công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm; còn 29 địa phương chưa hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc; 25 địa phương chưa hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; 52 địa phương chưa hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng được giao đất, thuê đất; 50 địa phương chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo số liệu sau rà soát. Chính phủ chưa tổng hợp được các dự án ‘treo’, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc; chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc; nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí, để có giải pháp xử lý; vi phạm về đất đai vẫn xảy ra dẫn đến khiếu kiện.

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp chiều 24/7/2021. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả

Theo Chương trình, cũng trong phiên họp toàn thể chiều 24/7, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Sau khi nghe các báo cáo trên, các đại biểu Quốc hội họp tổ, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Việt Đức (TTXVN)
Bổ sung nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Bổ sung nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 24/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ nhất, trong đó bổ sung vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất nội dung về phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN