Quy định đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Nhấn mạnh tác hại của vấn đề chạy chức, chạy quyền, Thạc sỹ Vũ Trung Kiên, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II cho rằng: Đây là việc làm vô cùng nguy hại, làm băng hoại đạo đức xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, để lại những hậu quả rất khủng khiếp.
Theo Thạc sỹ Vũ Trung Kiên, đã từ rất lâu, nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên và những công dân chân chính, trong đó có những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đề cập đến việc cần có một quy định chặt chẽ để chống chạy chức, chạy quyền.
Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành quy định này là rất cần thiết, nhất là trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Cho rằng Quy định số 205-QĐ/TW ra đời rất kịp thời, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Từ trước đến nay, quyền lực là vấn đề nhạy cảm, “con dao hai lưỡi”.
Bởi lẽ, ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả sẽ rất tai hại. Vì vậy, Quy định về về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền được Bộ Chính trị ban hành là rất cần thiết.
Theo ông Võ Văn Đức, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh), Quy định này đã góp phần nêu rõ, quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Cùng với đó, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.
Công cụ hiệu quả trong quản lý quyền lực
Theo ông Võ Văn Đức, Quy định số 205-QĐ/TW được ban hành là điều kiện cần và đủ để khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể đối với người lãnh đạo, người làm công tác cán bộ ở các cấp, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải công tâm, minh bạch, có trách nhiệm đối tổ chức, với đất nước. Nếu kiểm soát được quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, chắc chắn sẽ tuyển chọn được người có đức, có tài, có đủ năng lực trình độ để phục vụ tổ chức; xây dựng đội ngũ kế thừa tinh hoa, có đủ bản lĩnh để lãnh đạo tổ chức.
Để đưa Quy định này áp dụng trong thực tiễn, ông Diệp Văn Sơn nêu ý kiến, cần tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực công phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật; cần có Luật giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tăng cường sự giám sát, phản biện chính sách của nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị.
Mặt khác, theo ông Diệp Văn Sơn, cần làm rõ về mặt lý luận và thực tiễn hoạt động của nguyên tắc “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Từ đó, cụ thể hóa một bước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, tránh sự chồng chéo nhiều chức năng của 3 nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp).
Bên cạnh đó, cần đề cao, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức theo hướng tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả, phải chịu sự kiểm tra, giải thích về những sản phẩm đó. Tương tự, cơ quan làm công tác cán bộ phải làm tốt trách nhiệm giải trình, đồng thời thực hiện chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ khi để sai phạm trong việc bổ nhiệm nhân sự.
“Đảng viên và nhân dân giám sát công tác cán bộ là việc làm khó, chưa có tiền lệ, bởi lẽ đảng viên và nhân dân chưa quen, chưa có điều kiện làm quen. Muốn làm tốt, trước mắt là phải sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, thiết thực, không hình thức, thật sự cầu thị, chia sẻ, thật sự dân chủ, lắng nghe. Vấn đề còn lại là phải quản lý đánh giá con người thật sự khoa học, công tâm, dân chủ, tin cậy, lắng nghe quần chúng, có biện pháp để quần chúng dám nói và bảo vệ quần chúng”, ông Diệp Văn Sơn nêu quan điểm.
Đề cập giải pháp thực hiện cụ thể, Thạc sỹ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh: Quy định vẫn là quy định nếu chúng ta không cụ thể hóa và thực hiện đến nơi đến chốn. Do đó, cần tổ chức thi tuyển dân chủ, công khai, minh bạch để chọn cán bộ; trọng dụng và tạo điều kiện cho những người có đức, có thực tài có “đất” dụng võ. Đặc biệt, những cơ quan có trách nhiệm, những người phụ trách công tác tổ chức cán bộ phải thật sự là những “Bao công” và cần xử lý hình sự những người bị phát hiện chạy chức, chạy quyền.
Để kiểm soát được quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, theo ông Võ Văn Đức, mỗi cán bộ phải tự kiểm soát được mình; đồng thời, cần có cơ chế hay một đơn vị khác để kiểm soát việc sử dụng quyền lực trong quá trình làm công tác cán bộ ở cấp đó. Chính vì vậy, việc đầu tiên của mỗi tổ chức, cá nhân là phải hiểu rõ Quy định này để việc thực thi có hiệu quả.