Đại diện chính quyền Bang Bihar đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay Gaya. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Theo báo trên, chuyến công thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một sự đáp lễ thân thiện chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Hà Nội năm 2016. Một trong những trụ cột của chính sách đối ngoại dưới chính quyền của Thủ tướng Modi là "Chính sách Hành động Phương Đông" (trước đây là "Chính sách Hướng Đông") nhằm thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á và Đông Á và Việt Nam là nhân tố chủ chốt của chính sách này.
Ấn Độ luôn coi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của New Delhi nhằm tiếp cận các nước trong khu vực, bên cạnh các kế hoạch tăng cường kết nối với các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). New Delhi đang xây dựng tuyến đường nối Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, dự kiến hoàn thành năm 2019, nối liền với các tuyến đường sẵn có tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tạp chí trên cho rằng vẫn còn những thách thức trong mối quan hệ đang trên đà phát triển này. Về kinh tế, thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam còn rất khiêm tốn. Mặc dù hai bên đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020 đạt 15 tỷ USD, song đây vẫn là mức quá thấp khi so sánh với kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, khi đạt tới 93,8 tỷ USD riêng trong năm 2017.
Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân giữa hai nước vẫn còn hạn chế. Dù trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi thăm Bodh Gaya - một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Phật giáo và là nơi Đức Phật giác ngộ, mang ý nghĩa lớn lao trong việc kết nối Phật giáo hai nước, song lượng du khách từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại trên thực tế còn khá ít ỏi.
Tạp chí The Diplomat nhận định trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển nhanh trên mọi lĩnh vực, hai bên cần nỗ lực vượt qua những thách thức để có thể đạt được mối quan hệ tương xứng với tiềm năng.