Buổi tiếp diễn ra bên lề Tọa đàm khởi động xây dựng Báo cáo MDCR.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc thực hiện Báo cáo MDCR với OECD, coi đây là việc hệ trọng, đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp OECD trong quá trình xây dựng Báo cáo MDCR.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam mong muốn xác định được tầm nhìn cho đất nước xa hơn đích 10 năm tới. Việt Nam muốn biết cách nhìn nhận của thế giới đối với chiến lược của Việt Nam sắp tới là đạt được mục đích trở thành một nước công nghiệp hiện đại hay là một quốc gia phát triển, đây là mấu chốt để đi tới xác định các nội hàm cho Chiến lược quốc gia.
Trong quá trình này Việt Nam đã có Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng huy động tổng lực mạng lưới sáng kiến Việt Nam để tập trung nghiên cứu; đặt hàng 48 nhiệm vụ cụ thể cho các trường đại học trong nước và quốc tế, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan bộ ngành, địa phương.
Với các vấn đề lớn, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thiện Chiến lược thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đã thực hiện thành công chiến lược về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đang đánh giá 15 năm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Một vấn đề mới được các Giáo sư Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đặt ra với Việt Nam là chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển đô thị và công nghiệp để tạo ra một động lực phát triển cho đất nước. Việc đánh giá sát thực trạng, đề xuất chiến lược phát triển khu kinh tế động lực và khu đô thị là vấn đề quan trọng của Việt Nam tới đây. Điều này cũng cần được nhìn nhận rõ ràng trong Chiến lược tổng thể quốc gia. Do đó, Phó Thủ tướng bày tỏ sự trông đợi và tin tưởng vào kết quả đánh giá đa chiều của OECD tới đây với Việt Nam.
Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều OECD Jan Rielaender cho biết, ông đã tiếp cận với các cơ quan của Việt Nam và đánh giá cao mong muốn của Việt Nam hướng tới năm 2035 và tầm nhìn tới 2045. Vị chuyên gia cũng bày tỏ rằng mục đích chiến lược, chính sách là phải nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ. Ông đưa ra một số đánh giá sơ bộ bước đầu và cho biết sẽ nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra những đánh giá sâu hơn cùng những khuyến nghị xác đáng cho Việt Nam.