Dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu, các tỉnh, thành phố trong khu vực phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hòa cùng sự phát triển của đất nước; phải xác định xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, phát triển đảng trong công nhân… là mục tiêu cần đặc biệt chú trọng.
Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ thuận lợi hơn nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên, là “nòng cốt” để người lao động noi theo, học tập, nâng cao nhận thức, động cơ phấn đấu vào Đảng. Các doanh nghiệp cũng cần phải đánh giá, rà soát, phân loại nguồn kết nạp, có giải pháp cho từng nhóm cụ thể, kế hoạch cụ thể, chỉ đạo sát với thực tiễn, phải đặt lên trên hết tiêu chí số lượng gắn với chất lượng khi kết nạp đảng viên, không chạy theo số đông…
Các ý kiến tại hội thảo tập trung làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt đã đạt được và chưa đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên cho rằng, việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp này chưa có tổ chức Đảng; người lao động chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, còn e ngại, chưa quan tâm, chưa mặn mà phấn đấu vào Đảng. Ông đề xuất, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với các chủ doanh nghiệp, khuyến khích các chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức Đảng; nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức Đảng đối với sự phát triển của doanh nghiệp mình; quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho các tổ chức Đảng để duy trì hoạt động tốt.
Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hợp Lực, Thanh Hóa, kiến nghị: Song song với chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư thì các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù đối với những doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng, làm cơ sở để các doanh nghiệp vận hành tổ chức cơ sở Đảng linh hoạt, phù hợp, có hiệu quả hơn.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có 16 Đảng bộ tỉnh, thành phố, 277 Đảng bộ cấp trên cơ sở, 12.319 tổ chức cơ sở Đảng, 207 Đảng bộ bộ phận và 60.687 Chi bộ trực thuộc với hơn 1,2 triệu đảng viên. Những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng trong khu vực quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực.
Giai đoạn 2022-2022, tổng số đảng viên mới kết nạp trong doanh nghiệp ngoài nhà nước của 16 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 2.363 đảng viên, chiếm hơn 16% tổng số đảng viên được kết nạp trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, so với tổng số đảng viên mới trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trong khu vực, đảng viên trong công ty cổ phần là 1.633 đảng viên, chiếm hơn 69%; doanh nghiệp tư nhân là 413 đảng viên, chiếm hơn 17%; công ty trách nhiệm hữu hạn là 286 đảng viên, chiếm hơn 12%; công ty hợp danh là 3 đảng viên; doanh nghiệp có vốn nước ngoài là 28 đảng viên, chiếm hơn 1%.