Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội về việc truy bắt Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: Bộ Luật hình sự đã quy định rõ, loại tội phạm nào nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng và có những tội phạm thời hiệu của lệnh truy nã, bỏ trốn là vô thời hiệu, không có thời gian kết thúc mà phải truy đến cùng.
Ông Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp truy đến cùng, không có thời hiệu. Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, đó cũng là bản lĩnh của một con người, dám làm, dám chịu.
“Tôi cũng muốn nói điều này kể cả với ông Trịnh Xuân Thanh. Ông dám làm, dám chịu. Ông Trịnh Xuân Thanh sinh ra trong một gia đình rất đáng quý, có truyền thống, giờ ông gây ra như vậy thì ông phải chịu trách nhiệm, không thể bỏ trốn. Bản thân ông cũng phải có quan hệ với gia đình, bố mẹ, anh em với các con, các cháu sau này” – Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, luật pháp Việt Nam rất khoan hồng, quan điểm của con người Việt Nam là rất nhân đạo, truyền thống dân tộc là đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. “Tôi nói khó mà lẩn trốn được” – Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Đề cập đến việc chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh, có đóng vụ án để đưa ra xét xử sớm, Thứ trưởng cho biết, tùy theo nội dung của vụ án, nếu đủ yếu tố, đủ chứng cứ thì vẫn xét xử. Tội tới đâu, ai mắc đến đâu, mức độ thế nào, điều tra tài liệu đến đâu sẽ xử tới đấy, còn lại vẫn có thể tách ra để điều tra tiếp.
Tới đây phải đưa vụ án này là vụ án trọng điểm để chỉ đạo làm thấu đáo, bởi đây là vụ án mà dư luận đang đặt ra, giải đáp như thế nào có đúng 3.300 tỷ đồng không, cá nhân các đối tượng có liên đới trách nhiệm thế nào, có sai phạm như thế nào? Trước mắt đã xác định được đối tượng cố ý làm trái, nhưng có tham ô, tư lợi, thiếu tinh thần trách nhiệm không, các vấn đề khác phải làm thấu đáo theo quy định pháp luật.
Trả lời câu hỏi của báo giới về tình trạng những vụ việc có vi phạm, đối tượng vi phạm hay tìm đến phương án bỏ trốn ra nước ngoài, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng đó là điều phải hết sức chú ý. Trong bối cảnh hiện nay, công tác điều tra về các vụ án kinh tế là hết sức khó khăn. Thực hiện dân chủ, công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu. Việc cấp hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, thuận tiện, việc qua lại một số nước trong khu vực rất thuận lợi.
Một số người có thẻ xanh, thẻ APEC, có thể đi lại một số nước trong khu vực, nên chuyện đó cũng đặt ra hết sức khó khăn. Trong quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh chủ yếu tập trung vào quản lý công khai, qua cửa khẩu như sân bay, hải cảng, qua lại qua biên giới. Xung quanh biên giới Việt Nam là rất rộng, có biên giới đường bộ, đường biển, các tàu vận tải qua lại nữa, nhiều khi các đối tượng lợi dụng đi lại rất dễ dàng.
Thượng tướng Lê Quý Vương thẳng thắn cho biết việc ngăn chặn đối với những đối tượng thuộc “tầm ngắm” là khó. Bộ Luật Hình sự quy định chỉ có tội khi tòa án có bản án và bản án có hiệu lực thi hành. Công an muốn bắt giữ người, trừ trường hợp phạm pháp quả tang.
Theo Bộ Luật tố tụng Hình sự mới, sau khi giữ khẩn cấp phải báo cáo Viện kiểm sát để phê chuẩn, đó là vấn đề rất khó trong trong điều tra. Quản lý nhân hộ khẩu thông thoáng, quản lý dân cư theo Luật Cư trú, trong bối cảnh đó, lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có các đối tượng hình sự, có tiền án, hoặc những đối tượng nghi vấn có vi phạm hình sự mới có biện pháp quản lý chặt chẽ. Những đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, có trường hợp là đảng viên, không thể tiến hành biện pháp quản lý được.
Theo Thứ trưởng, chưa chứng minh được đối tượng đó phạm tội, có nghĩa là chưa bị khởi tố, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng, không thể lấy lý do để cấm họ được, vi phạm quyền công dân. Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân, con người chỉ bị hạn chế những quyền khi pháp luật quy định. Lực lượng công an cũng không hạn chế được, như vậy là vi phạm.