Với mong muốn bảo vệ di tích lịch sử của quốc gia và cũng là ngôi đình của làng, các thành viên của Hội Người cao tuổi xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tự nguyện trông coi đình Hồng Thái.
Hơn 7 năm qua, dù ngày nắng, cũng như ngày mưa, những "tình nguyện viên" này đều cần mẫn thu dọn và nhiệt tình làm “hướng dẫn viên” giới thiệu lịch sử ngôi đình mỗi khi có khách đến tham quan.
Ông Viên Đức Minh, dân tộc Tày, 74 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Trào, cho biết: Do đình Hồng Thái nằm xa Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (cách khoảng 3 km) lại không có cổng bảo vệ, nên trước đây trâu, bò thường vào sân đình ăn cỏ. Tháng 4/2007, Hội Người cao tuổi của xã đã làm đơn gửi tới Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào và các cơ quan chức năng, đề nghị được làm công tác bảo vệ, trông nom đình Hồng Thái. Sau khi được chấp thuận, Hội đã thành lập Ban Quản lý khu di tích lịch sử quốc gia đình Hồng Thái, gồm 3 thành viên, phụ trách việc trông nom, bảo quản và giới thiệu cho khách đến tham quan về lịch sử ngôi đình và các di tích khác trong Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Ông Trần Văn Rào, 80 tuổi, thôn Cả, xã Tân Trào, hiện là hướng dẫn viên kiêm bảo vệ di tích. Từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nên ông Rào biết rất rõ về ý nghĩa của khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào. Năm 2007, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ hướng dẫn viên kiêm bảo vệ di tích lịch sử quốc gia đình Hồng Thái, ông đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu kỹ các tư liệu lịch sử về đình Hồng Thái do Bảo tàng Tân Trào cung cấp và nhiều tư liệu khác về đình Tân Trào, lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào... Ông cho biết: “Khách du lịch đến đây không chỉ để tham quan di tích mà muốn hình dung ra sự kiện đã diễn ra ở đây. Do đó tôi luôn phải chuẩn bị thật tốt tư liệu để giới thiệu và trả lời những câu hỏi mà du khách quan tâm”.
Đình Hồng Thái thuộc thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, trước năm 1945 gọi là đình Kim Trận. Tháng 3/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Kim Trận đứng lên khởi nghĩa vũ trang. Giành được chính quyền, nhân dân họp bàn và quyết định lấy tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt tên cho xã, đình Kim Trận cũng mang tên Hồng Thái từ đó. Ngày 4/5/1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào. Sau hành trình 18 ngày đêm, ngày 21/5, Bác đến Tân Trào, đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của Bác. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ an toàn khu, được coi như phòng thường trực của các cơ quan Trung ương đóng quanh vùng.
PV