Trong chưa đầy 10 tháng giữ cương vị Người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự hai diễn đàn đa phương quy mô hàng đầu thế giới; thăm chính thức tám quốc gia ở nhiều châu lục. Thành công rực rỡ từ những chuyến công du “lần đầu tiên trên trọng trách mới” của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không chỉ góp phần quan trọng củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, mà còn từng bước định hình một phong cách ngoại giao đậm nét văn hóa, bình dị, chân thành “từ trái tim, đến trái tim”.
Ngoại giao đỉnh cao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ngọn cờ lý luận của Đảng đã khái quát đặc trưng của nền ngoại giao Việt Nam gắn với hình ảnh “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, từ sau Đại hội XIII của Đảng, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước và có gần 50 chuyến thăm của Lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như: Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden..., tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Gần 10 tháng giữ trọng trách Người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ; trong đó có hầu hết các quốc gia thuộc nhóm siêu cường, nhóm G7 như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Liên bang Nga, Anh, Italy và hội kiến Giáo hoàng Francis của Tòa thánh Vatican. Thật ít thấy trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều cuộc gặp gỡ đặc biệt được tiến hành như vậy.
Hơn hai tháng sau ngày Tuyên thệ nhậm chức trước đồng bào, chiến sỹ và cử tri cả nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có chuyến công du phương tây lần đầu tiên với việc tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III - sự kiện trọng đại 70 năm qua mới diễn ra một lần của Hoàng gia Anh. Chính ở sự kiện này, Chủ tịch nước đã tiếp xúc, gặp gỡ với gần 20 Nhà Lãnh đạo các nước, Người đứng đầu các tổ chức kinh tế, tài chính hàng đầu khu vực và thế giới.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh Nguyễn Hoàng Long, do những yếu tố lịch sử, đây là lần đầu tiên có một Nguyên thủ Việt Nam tham dự Lễ Đăng quang của Nhà vua Anh. Bởi vậy, mặc dù hết sức bận rộn với hàng trăm đoàn khách quốc tế, nhưng tại cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước với những người bạn Anh thân thiết với Việt Nam, có đến 6 thành viên chủ chốt nội các Chính phủ và khoảng 80 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, Nghị sỹ Quốc hội, các tập đoàn lớn của Anh cùng có mặt, chào mừng Chủ tịch nước đến London.
Văn hóa, nghệ thuật là sợi dây kết nối
Cuối tháng 7/2023, trời đất bước vào Thu, mùa đẹp nhất trong năm của châu Âu cổ kính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có chuyến thăm chính thức Áo, thăm cấp Nhà nước tới Italy và thăm Tòa thánh Vatican. Chuyến công du đã gặt hái thành công trên mọi phương diện, đặc biệt là ngoại giao văn hóa, để lại những dấu ấn sâu đậm của Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Đặt chân đến thành Vienna - kinh đô âm nhạc thế giới, trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời kiều bào từ khắp châu Âu và những người bạn Áo thân thiết cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ Việt Nam trình diễn những tác phẩm âm nhạc truyền thống xen lẫn kinh điển châu Âu bằng nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Lấy âm nhạc, văn hóa và triết học làm sợi dây nối kết hợp tác kinh tế hai nước, phát biểu tại tiệc chiêu đãi của Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ mến mộ: Từ lâu, người dân Việt Nam biết đến nước Áo không chỉ là đất nước của âm nhạc và triết học, với những nhà soạn nhạc lừng danh như Mozart, Franz Schubert... và những nhà triết học có tầm ảnh hưởng đến tư duy của nhân loại như Karl Popper, Edmund Husserl... Áo còn được biết đến với nhiều di sản thế giới nổi tiếng có sức hấp dẫn lớn với du khách; là quốc gia thịnh vượng, hạnh phúc, là đất nước tiên phong trong phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh ý tưởng của Thủ hiến bang Burgenland, đề nghị lấy nhạc sĩ thiên tài Joseph Haydn làm hình mẫu trong nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước và nhấn mạnh, âm nhạc chắc chắn sẽ gắn kết hơn nữa người dân Burgenland và Việt Nam.
Trong một buổi tiếp khách quốc tế, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng nêu quan điểm về văn hóa, nghệ thuật: Nghệ thuật là ngôn ngữ diệu kỳ đưa con người đến với nhau, kết nối tâm hồn bằng sự rung động của con tim. “Tinh thần hòa hiếu, nhân nghĩa từ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã vượt qua thử thách của không gian và thời gian, hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam”.
Đúng như nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Alfred Gerstl, Chủ tịch Hội Áo - Việt Nam (GÖV), những hoạt động giao lưu văn hoa, âm nhạc ấn tượng trong chuyến thăm đã đưa nhân dân hai nước đến gần nhau hơn.
Thăm Italy - một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, nhắc lại sự kiện mang tính biểu tượng của bạn bè quốc tế trong lịch sử quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại quốc yến: “Nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ sự ủng hộ quý báu của nhân dân Italy đối với cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của Việt Nam. Một trong những biểu tượng của sự ủng hộ đó là con tàu hữu nghị Australe chuyển nhu yếu phẩm của nhân dân Italy giúp đỡ nhân dân Việt Nam vào cuối năm 1973, do Thuyền trưởng Luciano Sossai chỉ huy xuất phát từ thành phố cảng Genoa”.
Cảm nhận được sự chân thành, một tâm hồn Việt Nam thủy chung, giàu tình nghĩa, Tổng thống Sergio Mattarella phát biểu với báo giới, bày tỏ hạnh phúc về lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch nước và xúc động: “Mối quan hệ giữa hai nước là biểu hiện của tình đoàn kết, tình cảm chân thành; là di sản của cả hai dân tộc”.
Đánh giá cao nền tảng tri thức sâu rộng và việc ưu tiên cho ngoại giao văn hóa của Chủ tịch nước, Giám đốc Hãng Truyền thông AGC, Antonio Albanese cho rằng, chuyến thăm Italy của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đưa quan hệ giữa hai nước đạt đến tầm cao mới, sâu sắc và bền chặt hơn.
Nghiên cứu về ngoại giao văn hóa của Việt Nam, Tiến sĩ Beak Yong-Hun, Phó Giáo sư Việt Nam học, Khoa Nghiên cứu Châu Á và Trung Đông Trường Đại học Dankook, Hàn Quốc nhận xét: Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực quan trọng trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại của Việt Nam và đã được triển khai rộng rãi ở nhiều cấp độ, đặc biệt là trong các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Đánh giá thành tựu đối ngoại của Việt Nam năm 2023, Tiến sĩ Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của Cuba (CIPI) cho rằng: Ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là trong các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao đã nâng cao hình ảnh của đất nước; trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai đường lối ngoại giao nhân dân của Việt Nam.
Lần đầu tiên thăm chính thức Tòa thánh Vatican, trong cuộc diện kiến người đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn cầu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ cảm động khi biết rằng, từ lúc còn trẻ, ở Buenos Aires, Giáo hoàng Francis đã luôn quan tâm, dành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam. Năm tháng sau cuộc gặp gỡ chân thành với Nhà lãnh đạo Việt Nam, Đức Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam; mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Vùng đất Thánh linh thiêng của người Công giáo trên toàn thế giới.
Dấu ấn đa phương
Hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của nhiệm kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba. Tại Diễn đàn này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Tại Thủ đô Bắc Kinh, lần đầu tiên hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi việc củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Gần hai tháng sau đó, hội đàm tại Hà Nội trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hai Nhà Lãnh đạo cùng thống nhất tăng cường giao lưu nhân dân, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị Việt - Trung, khuyến khích người dân, nhất là thế hệ trẻ “quen nhau, hiểu nhau, thân nhau”, góp phần củng cố hơn nữa nền tảng xã hội cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Một minh chứng cho thấy ưu tiên về ngoại giao văn hóa trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đó là khoảng thời gian giữa tháng 9/2023, tại Phủ Chủ tịch, trong cuộc gặp mặt lần đầu tiên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng tặng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cuốn sách đặc biệt mang tên “Một con người, một con đường và một lịch sử: HỒ CHÍ MINH - THƯ GỬI NƯỚC MỸ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Món quà đậm nét văn hóa và tư liệu lịch sử hai nước giới thiệu những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho nước Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rất vui tiếp nhận món quà ý nghĩa này và cho biết sẽ dành thời gian đọc kỹ cuốn sách đặc biệt này.
Giữa tháng 11/2023, tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, bằng góc nhìn giàu xúc cảm, những nghiên cứu công phu về văn học, thi ca phương tây, phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dẫn những câu thơ đầy ý nghĩa về thành phố San Francisco tươi đẹp của nữ thi sĩ bang California hồi đầu thế kỷ XIX Ina Coolbrith:
Từ nơi đây, Cổng Vàng thành phố,
Đón tia nắng phương Đông rực rỡ,
Hoàng hôn buông ráng chiều lấp lánh,
Ngự trong ánh hào quang muôn thuở,
Thành phố của sương mù, và của những giấc mơ!
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bài phát biểu ấn tượng cùng những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị, nhất là về một tư duy mới bao trùm, hài hòa, nhân văn đã được các Nhà Lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC.
Đúng như trong trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, Giáo sư Carl Thayer rất tâm đắc chia sẻ: Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC rất tinh tế và được trau chuốt kỹ lưỡng; phản ánh tầm nhìn chiến lược của Việt Nam.
Nhiều nhà ngoại giao đánh giá, ấn tượng đặc biệt nhất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến công tác tại San Francisco là cuộc đối thoại về chính sách đầy hào hứng và thuyết phục trước các học giả, nhà nghiên cứu tên tuổi của Hội đồng quan hệ quốc tế Hoa Kỳ (CFR).
Hơn một giờ đồng hồ trao đổi trực tiếp, Chủ tịch nước đã trả lời cặn kẽ mọi vấn đề, kể cả những câu hỏi “gai góc nhất” đến từ các vị khách và cả báo giới Hoa Kỳ; truyền đi thông điệp rõ ràng về thế giới quan của Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, lịch sử yêu chuộng hòa bình; khẳng định phương châm của Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
Khi cuộc trao đổi được thông báo phải kết thúc vì đã quá thời gian, thấy vẫn còn một cánh tay giơ lên, Chủ tịch nước đề nghị Ban Tổ chức cho nghe câu hỏi và trả lời thẳng thắn một phóng viên Nhà trắng về quan điểm của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong cuộc gặp gỡ cuối năm tại Phủ Chủ tịch, nhìn lại chuyến công tác hết sức thành công của Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cảm phục: Bằng phong thái ngoại giao chân tình, thẳng thắn, đầy tự tin, các hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong mắt các đối tác Hoa Kỳ. Đại sứ còn đặc biệt cảm động vì trong chuyến thăm, tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ có cơ hội cùng gặp gỡ, nghe căn dặn, chỉ đạo của Chủ tịch nước.
Chạm đến trái tim
Tự tin ở tiềm lực, thành tựu của đất nước, tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc, chân thành và thẳng thắn trong các hoạt động đối ngoại, phong thái ngoại giao của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng hết sức tinh tế, uyển chuyển và truyền cảm hứng về một Việt Nam thân thiện, mến khách.
Trong chuyến công tác đối ngoại cuối cùng của năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản, cùng Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới.
Với bài phát biểu được đánh giá là “từ trái tim, đến trái tim”, hết sức ấn tượng” tại Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch nước đã dùng những ngôn từ và câu chuyện rất bình dị, mộc mạc nhưng rất ý nghĩa và sâu lắng. Nhà Lãnh đạo Việt Nam cho rằng, chính sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân hai nước hàng nghìn năm qua là chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Nhưng cảm động, bất ngờ và ấn tượng nhất trong những ngày ở Tokyo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không thể không nhắc đến cuộc gặp gỡ thân mật, cùng ăn sáng với các gia đình homestay Nhật Bản nhiều năm trước từng tiếp đón các đoàn thanh niên Việt Nam qua các chương trình Giao lưu thanh niên hai nước.
Một thực đơn đặc biệt, hết sức tinh tế, có sự giao thoa giữa ẩm thực Việt - Nhật được Chủ tịch nước đích thân lựa chọn kỹ càng dành tiếp các cố nhân từ nhiều miền quê Nhật Bản. Thực đơn có những món: Trứng hấp củ hoa nhiên kèm sốt thịt cua tuyết Hokkaidou; cà rốt hâm lạnh kèm sốt Miso và lạc vừng Việt Nam; củ sen mài bọc thịt bò Wagyu hầm kèm sốt mỹ vị; cá Buri nướng sốt Yuan miso của cố đô Kyoto; cà chua hâm rượu Sake… và món Phở gà truyền thống Việt Nam. Không chỉ độc đáo trong thực đơn, tính chất “ngoại giao ẩm thực” của buổi tiệc còn được thể hiện hoàn hảo qua sự chế biến của một đầu bếp nổi tiếng người Nhật gốc Việt.
Thực đơn tinh tế, khách mời đặc biệt. Vị Nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và các gia đình nông dân Nhật Bản cùng bồi hồi ôn lại những kỷ niệm hơn 20 năm trước bên bếp lửa hồng, trên cánh đồng lúa, trong các công việc đời thường và cả trong những phút giây say mê với các điệu múa, bài ca dân gian Nhật Bản. Vui mừng, xúc động và bất ngờ được mời gặp mặt, ăn sáng với Chủ tịch nước Việt Nam cùng Phu nhân, các gia đình homestay Nhật Bản không thể khỏa lấp niềm xúc động tận đáy lòng, tự hào chia sẻ ấn tượng về người thanh niên Việt Nam năm ấy, thông minh, thân thiện và chăm chỉ.
Đưa tin về sự kiện này, các tờ báo lớn Nhật Bản chạy dòng chữ: “Cuộc gặp gỡ đã chạm đến trái tim người dân Nhật Bản”.
Nhận thức rõ thế mạnh của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam. Tự tin về lý luận, đường lối; tự tin về sự lãnh đạo của Đảng; tự tin vào chế độ chính trị và tự tin vào mục tiêu đi tới của dân tộc. Đó là những định hướng xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Gần gũi, chân thành nhưng sâu lắng và giàu văn hóa, phong cách ngoại giao của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mang đến sự thuyết phục bạn bè thế giới, mang lại những thành tựu toàn diện cho các hoạt động đối ngoại, đồng thời để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.