Chương trình có 8 nhiệm vụ cụ thể, tương ứng với 8 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai. Sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, giúp Thành ủy, HĐND, UBND thành phố có thêm những bài học quý trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách.
Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, sự chỉ đạo của UBND thành phố, sự phối hợp tâm huyết, trách nhiệm của Hội đồng Lý luận Trung ương, các nhà khoa học của trung ương và Hà Nội, Chương trình số 20-CTr/TU đã được triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện; phạm vi nghiên cứu của chương trình được mở rộng, tầm nhìn được xác định đến năm 2045.
Các đề tài thuộc Chương trình số 20-CTr/TU đã được tổ chức nghiên cứu bài bản, công phu; phương pháp tiếp cận khoa học, hợp lý dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về các lĩnh vực công tác của thành phố. Các đề tài đã làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá sâu, toàn diện tình hình, những thành tựu xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2015-2020; chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức cần giải quyết; đề xuất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển giáo dục - đào tạo, quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế…
100% đề tài được đánh giá đạt loại xuất sắc, trong đó đề tài “Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” đạt 9,6 điểm - điểm cao nhất. Đề tài này đã đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến thực trạng về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố (2015 – 2020); hạn chế, yếu kém, nguyên nhân trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế; quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội... Đề tài cũng xác định các luận cứ để đưa ra quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2020 – 2025; đưa ra những kiến nghị khả thi đối với Trung ương và thành phố để thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trên các lĩnh vực đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, cả 8 đề tài khoa học đều đã hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ, thể hiện ở 6 nội dung nổi bật. Đặc biệt, đề tài số 8 “Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố (2015 – 2020); phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030" có ý nghĩa quan trọng, mang tính ứng dụng cao, chính là dự thảo lần thứ nhất Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội triển khai Văn kiện Đại hội từ nghiên cứu lí luận và thực tiễn, thông qua kết quả Chương trình 20-CTr/TU, đảm bảo bồi dưỡng nâng cao một bước trong tư duy lãnh đạo, quản lý của Thành ủy, Ban Thường vụ và tổ chức Thành ủy, đặc biệt nâng cao năng lực từng cơ quan đơn vị, từng cán bộ qua việc thực hiện đề tài này.
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố đã trao bằng khen của Thành ủy và UBND thành phố tặng 20 tập thể, 43 cá nhân tiêu biểu có thành tích trong tham gia Chương trình số 20-CTr/TU.