Nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch, song cho rằng, đây là luật chuyên ngành, mang tính kỹ thuật, rất khó.
Đại biểu Huỳnh Thanh Liêm (Đồng Nai) cho rằng Quốc hội thông qua dự án Luật trong kỳ họp này và Luật có hiệu lực thi hành ngay từ 1/1/2019 là quá ngắn, liên quan đến nhiều luật nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo, nên thông qua tại hai kỳ họp.
Băn khoăn nội dung sửa đổi một số điều của Luật Đất đai
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Dự thảo luật quy định trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo pháp luật.
Như vậy, khi luật có hiệu lực thi hành, “đối với thành phố cực kỳ rối loạn, bà con ở khu vực đang vướng vào đất quy hoạch cây xanh, công trình công cộng, giao thông mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm sẽ đề nghị được thực hiện các quyền như chuyển mục đích xây dựng nhà.
Các vấn đề định hướng phát triển ngành khác liên quan đến đất đai sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngay cả hiện nay người dân nộp hồ sơ lên UBND các quận, huyện để chuyển mục đích nhưng thành phố và UBND các quận, huyện có giải quyết được ngay cho người dân không khi luật có hiệu lực?”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) cảnh báo.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng phân tích quy định “diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi, chuyển mục đích với diện tích ghi trên kế hoạch sử dụng đất”, trường hợp này sẽ khó khăn cho triển khai thực hiện các công trình, dự án nếu đã có kế hoạch nhưng chưa hoàn tất thủ tục thu hồi.
Có dự án nhưng chưa thu hồi được là do chưa hoàn tất thủ tục, mà thủ tục liên quan đến bồi thường, thu hồi đất hiện nay rất phức tạp, định giá bồi thường kéo dài, nếu không cải tiến quy trình khác thì sẽ không thực hiện được các công trình, dự án vì sẽ vượt quá thời gian quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại về tính khả thi và khả năng áp dụng của luật, dễ phát sinh vướng mắc cho các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện Luật.
Chẳng hạn, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là quy hoạch sử dụng đất cấp dưới chỉ được phê duyệt khi quy hoạch sử dụng đất cấp trên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Về mặt lý thuyết là hợp lý, khoa học, nhưng trong thực tiễn lại không như vậy.
Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia rất rộng lớn, trên chậm thì chậm hàng loạt các tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và quyền, lợi ích của người dân, khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sẽ rất vướng mắc.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng điều vướng nhất của Luật Đất đai, liên quan đến rất nhiều khiếu kiện của người dân cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi ích của người dân, đó là dự án chậm triển khai khi có quyết định thu hồi đất, giao đất. Chỉ nói đưa vào quy hoạch là người dân đã thấy khổ sở, chưa nói đến thu hồi đất. Cần phải cân nhắc tính hiệu quả, thực tiễn, khả thi của quy định pháp luật.
Cả hai đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết và Nguyễn Thị Quyết Tâm đều cho rằng quy định “trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo pháp luật” là điểm tiến bộ nhưng khi đặt cạnh quy định “phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải theo từng cấp” sẽ làm nảy sinh tình trạng khi cấp trên chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch sử dụng đất của cấp địa phương. Trong trường hợp chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất thì ai là người chịu trách nhiệm(?), đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng dự thảo Luật chưa nói nói được mối quan hệ này. Cần phải làm rõ trách nhiệm ở đây.
Phân tích quy định tại Điều 49 Luật Đất đai, trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật, đại biểu cho biết, xây dựng nhà ở, công trình và trồng cây lâu năm là quyền căn bản của người dân mà hiện Luật Đất đai đang hạn chế và người dân đang khiếu nại, khiếu kiện nhiều.
“Hàng loạt dự án treo, quy hoạch treo mấy chục năm giao nhưng không thực hiện, giờ vẫn tiếp tục khẳng định không được xây dựng công trình, trồng cây lâu năm, rồi “đẻ” ra thủ tục nữa để người dân phải “chạy”, tôi không đồng ý chỗ này. Nếu đã mở ra, đã sửa Luật Đất đai cho rõ ràng thì cũng phải sòng phẳng giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân.
Công bố rõ ràng thì người dân sẽ thi hành theo pháp luật đó. Còn nếu sử dụng hoặc sử dụng không đúng, hoặc không công bố được đúng quy định của pháp luật thì những quyền lợi của người dân phải được đảm bảo đầy đủ”, bà nói; cho rằng quy định vô hình trung bắt người dân phải chạy vạy, mở ra rồi đóng lại liền là không được.
Bà đề nghị công bố kế hoạch sử dụng đất trong một thời hạn nhất định, nếu không thực hiện được thì người dân được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, và khi thực hiện phải đền bù theo quy định của pháp luật, như vậy “quy hoạch mới không gây ám ảnh với người dân.
Hiện có người dân nói rằng quy hoạch là một sự "ám ảnh" mà người ta mất biết bao quyền lợi theo quy định của pháp luật, thậm chí mình treo 10 năm, 20 năm, người dân cứ chịu đựng không cách nào khác được, Ban soạn thảo phải xem xét lại quy định này”.
Bà cũng đề cập đến việc Luật Đất đai hiện có nhiều quy định hướng dẫn dưới luật tạo kẽ hở, làm khó cho người dân, doanh nghiệp và đề nghị những gì quy định được trong luật thì nên quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không để xảy ra tiêu cực lợi ích nhóm, xâm hại lợi ích quốc gia.
Tích hợp các loại quy hoạch là khả thi
Thảo luận về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ quan điểm của một số nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, khi có Luật Quy hoạch thì một số bộ, ngành rất sợ mất quy hoạch của ngành mình nên đấu tranh là bên cạnh quy hoạch chung phải có quy hoạch chuyên ngành.
Song, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tích hợp các loại quy hoạch là khả thi, bởi việc tích hợp quy hoạch sẽ tránh được việc quy hoạch này đá quy hoạch kia, tránh được những trường hợp như đào đường rồi lấp, lấp rồi lại đào…
Mục đích chính khi Luật Quy hoạch ra đời là nhằm giải quyết bất cập, chồng chéo, trùng lắp của nhiều loại quy hoạch lẻ tẻ. Nếu không tích hợp, sẽ gây lãng phí nguồn lực và thời gian. Hơn nữa, việc lập quy hoạch xây dựng riêng lẻ với các ngành khác sẽ làm chất lượng quy hoạch chung không đảm bảo.
Ở Việt Nam hiện nay, quy hoạch thất bại trong giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng, tất cả đều từ quy hoạch mà ra. Nguyên nhân chính là do vấn đề liên ngành chứ không chỉ của riêng bộ, ngành nào.
“Ông xây dựng cho làm chung cư rất nhiều trong nội đô, trong khi hạ tầng giao thông chỉ có như vậy. Khi người ta ở trên nhà không tắc, nhưng đến giờ đi làm, đi học người ta đổ xuống đường thì tắc ngay. Đô thị Hà Nội thời Pháp xây dựng đâu có bị ngập nhưng bây giờ ngập rồi, vì chúng ta phát triển không đúng”, Chủ tịch Quốc hội nói.