Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, không khí hào hùng vẫn còn in đậm trên lòng chảo Điện Biên Phủ sau 59 năm ngày chiến thắng. Trong hành trình về với lịch sử, chúng tôi tìm đến những nhân chứng sống của cuộc chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy. Những cựu chiến binh trên mảnh đất Mường Thanh-Mường Trời lịch sử bây giờ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn say sưa kể về những chiến công hiển hách mà hơn nửa thế kỷ trước họ đã chẳng tiếc máu xương mình để có một Điện Biên Phủ như bây giờ.
Ký ức thời hoa lửa
Tìm về Tổ 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi gặp cụ Hoàng Văn Bảy - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 thuộc Sư đoàn quân chủ lực ngày ấy với những chiến công lừng lẫy trên Đồi A1, cứ điểm đầu não quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy "khoe" chiếc huy hiệu Điện Biên Phủ do Bác Hồ trao tặng. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN. |
Dù đã 80 tuổi, nhưng cụ Bảy vẫn còn rất minh mẫn, cụ bồi hồi kể lại những ký ức của thời lửa đạn ấy với niềm tự hào, khí thế như chưa bao giờ bị dập tắt trong lòng: Năm 1952, cũng như bao chàng trai, cô gái khác trên khắp các miền quê Việt Nam, chàng trai 19 tuổi giã từ quê hương Nghệ An lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, đóng quân ở Thanh Hóa. Đến tháng 10/1953, chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta bắt đầu mở ra, cụ Bảy cùng đồng đội lên Điện Biên, sẵn sàng hy sinh để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy nhớ lại: Khi lên Điện Biên, tôi được phân công vào đơn vị đánh đồi A1, đây là nơi cứ điểm then chốt trong kế hoạch Na-Va của Pháp. Quân đội ta vừa đánh nhau với địch, vừa đào hào từ trong rừng tiến sát đồi A1 nhưng Pháp không hề hay biết, vì chúng tôi vừa đào vừa ngụy trang bằng cách gác cây lên trên, hào đào đến đâu thì ngụy trang đến đấy. Mỗi đêm hành quân người này cách người kia 5 mét, lúc đầu nằm sát xuống mặt đất đào, vì nếu đứng quân địch sẽ phát hiện ra, sâu hơn tý thì ngồi đào, đào sâu rồi thì đứng, cứ thế người này nối người kia tạo thành những chiến hào.
Kể về những khó khăn, gian khổ trong năm tháng chiến tranh, cụ Bảy chia sẻ: Có những đêm đào hào trong mưa gió, cả người đẫm bùn đất, vừa đói vừa rét vì có khi cả ngày chỉ lót dạ tạm bằng củ khoai, củ sắn. Trong thời điểm chiến dịch bước vào đợt 2, thời kỳ ác liệt nhất, quân ta hy sinh nhiều, nhìn đồng đội cứ ngã xuống ngay trước mặt mình, lúc đầu tôi cũng sợ hãi, nhưng rồi càng làm chúng tôi thêm quyết tâm phải tiêu diệt địch. Chúng tôi đã vào trận chiến thì không nghĩ gì sự sống hay cái chết nữa. Ta không giết địch thì địch sẽ giết ta nên không ngừng chiến đấu. Trong thời kỳ kháng chiến, quân đội ta thiếu thốn về vũ khí, súng đạn lại thô sơ. Mỗi người được trang bị khoảng 50 viên đạn, nên đã bắn là phải chính xác, khi tên địch nào bị tiêu diệt thì chiến sĩ của mình lấy súng, đạn của chúng để sử dụng.Những chiến hào xuyên núi như mạng nhện bao vây quân địch đã được các chiến sĩ không quản ngày đêm vừa đào hào vừa đánh giặc.
Cụ Bảy kể tiếp: Nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của chúng tôi lúc đó vẫn là đào hào, giặc đánh ta thì ta đánh, còn không thì chỉ đào hào, đào khi bom đạn Pháp vẫn ngùn ngụt hai bên. Bằng con đường hào mà quân đội ta vận chuyển lương thực, súng đạn, pháo cao xạ và thuốc men luôn vào được trận địa. Khi đường hào của ta tiến sát hầm của địch, chúng tôi được lệnh rút lui để các chiến sĩ khác có nhiệm vụ đặt bộc phá với khối lượng gần 1 tấn thuốc nổ phá tan hầm địch và là lời “hiệu triệu” để quân ta xung phong lên tiêu diệt quân địch ở đồi A1.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cụ Bảy chính là vào ngày 7/5/1954, sáng hôm đó quân đội ta tổng công kích tiêu diệt thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, trong một trận chiến thì cụ bị trúng đạn ở bắp đùi và đưa về tuyến sau. Cụ bồi hồi nhớ lại: Lúc đó tôi đang bị thương và phải nằm trên cáng để lực lượng quân y đưa về hậu phương chữa trị. Trên đường về thì chiều tối hôm đó nghe tin báo quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và địch ra hàng. Tất cả ai ai cũng vui mừng nhảy múa, tôi đang bị thương nằm trên cáng nhưng cũng muốn nhảy xuống ôm mọi người vì hạnh phúc vô cùng.
Phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình
59 năm trôi qua kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, anh lính Thượng sĩ ngày nào vẫn giữ nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ. Sau ngày giải phóng Điện Biên, nhìn thấy nhiều đồng đội trở lại miền xuôi, nơi có gia đình, người thân, bè bạn, cụ Bảy cũng đã từng có ý định “khăn gói” rời xa mảnh đất hoang sơ, đổ nát vì vết tích chiến tranh. Nhưng vì nghĩ đến những người đồng đội đã nằm lại, cụ lại tâm niệm “mỗi tấc đất trên mảnh đất Điện Biên này đều là mồ hôi, công sức, là máu của đồng đội” nên không nỡ rời xa nơi đã ghi dấu một thời oanh liệt của mình cùng đồng đội, cụ quyết tâm ở lại nơi đây xây dựng gia đình, xây dựng cuộc sống mới xa quê hương trên hoang tàn lửa đạn. "Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi ở lại đây lập gia đình, chuyển sang làm cán bộ nông trường cho đến năm 1985 thì về hưu. Những năm đầu của cải cách ruộng đất, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, ngày xưa ở đây hoang sơ và nghèo lắm, nhưng nhờ đường lối của Đảng, của Bác Hồ mà chúng tôi đã vượt qua để được như ngày hôm nay”, người cựu chiến binh tâm sự.
Du khách tới thăm quan căn cứ lịch sử Đồi A1. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN. |
Sau khi về nghỉ hưu ngay tại chiến trường xưa, cụ vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương, giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thanh Trường, là người có uy tín ở khu dân cư, nên được bà con phố xóm rất nể phục. Bây giờ con cháu của cụ Bảy đều đã thành đạt, có cuộc sống khá giả, khang trang. Trong phòng khách nhà cụ treo đầy những tấm Bằng khen, Huy chương, Huy hiệu và những tấm ảnh kỷ niệm một thời bom đạn. Trong gia đình ấm cúng ấy, những đứa cháu, đứa chắt lâu lâu lại quây quần trước sân nhà, đòi cụ kể lại những tháng ngày hào hùng, ác liệt trên ngọn đồi A1 lịch sử. Năm tháng trôi qua, những đứa chắt còn nhỏ của cụ đã biết được cách đây 59 năm, người cụ, người ông của mình đã từng tay cuốc đào hào, tay súng bắn địch để có cuộc sống của các em ngày hôm nay.
Bây giờ dù đã ở tuổi già, nhưng mỗi năm dịp kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những cựu chiến binh năm ấy lại gặp nhau, ôn lại chuyện xưa và đi thắp hương cho đồng đội. Nghĩ lại thấy mình thật hạnh phúc và may mắn, những năm tháng sống trong bom đạn, ai có thể nghĩ là còn có thể sống sót để bây giờ mà nhớ lại.
Điện Biên sau hơn nửa thế kỷ đã không còn hoang tàn như những ngày đầu sau chiến tranh. Thành phố mang tên chiến dịch lịch sử ấy đã vươn mình trong nắng mới dưới ngọn cờ của Đảng, Điện Biên Phủ nằm uốn mình theo dòng Nậm Rốm, cánh đồng Mường Thanh bát ngát hương lúa, những ngọn đồi lịch sử năm nào đã được vây quanh bởi những ngôi nhà cao tầng khang trang và bề thế. Thành phố Điện Biên Phủ thanh bình không còn nỗi đau chiến tranh đã vươn lên trong khói đạn để trở thành một thành phố phát triển. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, sắc trắng hoa ban rộn rã cả núi rừng Tây Bắc, lại nghe ngân vang những câu hát của bản hùng ca ngày nào “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui…”
Xuân Tư