Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đảng cầm quyền và đảng tham chính của một số nước gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Síp, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Serbia, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch COVID-19 ở mỗi nước, trong đó, việc Chính phủ đặt ưu tiên vào an ninh con người và sức khỏe của nhân dân được cho là yếu tố hết sức quan trọng.
Để phòng, chống đại dịch, các đại biểu kêu gọi các đảng, các nước tăng cường hợp tác một cách có trách nhiệm, thực hiện nghiêm các thoả thuận quốc tế về cấm phát triển và sử dụng vũ khí sinh học; nỗ lực nghiên cứu, sản xuất, chia sẻ thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội được tiếp cận.
Các đại biểu cho rằng, đại dịch COVID-19 đã cho thấy những bất cập của mô hình toàn cầu hóa hiện nay và thảo luận về những thách thức an ninh do đại dịch COVID-19 gây ra như: kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi sản xuất, thương mại bị đình trệ; đời sống người dân gặp khó khăn dẫn đến bất ổn về xã hội; an ninh mạng khó được bảo đảm và có thể ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia; khủng hoảng môi trường do sự tàn phá của con người vừa là hệ quả, vừa là nguyên nhân của dịch bệnh. Do đó, các đảng cần tham gia vào quá trình hoàn thiện pháp luật ở mỗi nước trên cơ sở vì lợi ích của người dân; chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong giải quyết các vấn đề an ninh đang được đặt ra.
Đồng chí Hoàng Bình Quân đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thành công bước đầu của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như giải quyết những vấn đề do đại dịch gây ra, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự tin tưởng và đồng lòng của người dân trong phòng chống đại dịch.
Đồng chí Hoàng Bình Quân đã nêu các đề xuất tăng cường phối hợp về chính sách, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu một cách kịp thời, thường xuyên; không phân biệt đối xử trên tinh thần nhân đạo, bảo đảm an toàn cho công dân các nước đang ở trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cung cấp đầy đủ thông tin, được điều trị nếu bị nhiễm bệnh và có thể tiếp cận với các nguồn viện trợ nhân đạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, người dân ở các nước trong đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống; phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, các thể chế đa phương trong thúc đẩy các nỗ lực chống dịch, bảo đảm an ninh trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ngài D. Medvedev khẳng định sự cần thiết của hợp tác giữa các chính đảng và các quốc gia nhằm đối phó với những vấn đề an ninh toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chủ tọa Hội nghị cũng đánh giá cao kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam cũng như quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc lấy người dân là ưu tiên hàng đầu, đồng thời ghi nhận những đề xuất của Việt Nam.