Đây là nhận định được Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Văn Tùng nêu tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc tháng 1/2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 17/1.
Thông tin về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị tính đến ngày 31/10/2018, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ cho biết, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm ba cơ quan Trung ương; bước đầu sắp xếp lại để giảm một số tổng cục thuộc Bộ; cơ cấu lại để giảm cục, vụ và tương đương ở các cơ quan Trung ương; các ban, sở, ngành cấp tỉnh; cấp phòng và tương đương giảm nhiều nhất.
Về số lượng lãnh đạo quản lý giảm 11 lãnh đạo cấp tổng cục, 171 lãnh đạo cấp vụ (trong đó 36 lãnh đạo vụ, cục thuộc tổng cục); 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; 9.223 lãnh đạo phòng và tương đương. Về biên chế do sắp xếp lại tổ chức: Giảm 60.656 biên chế bao gồm: Cán bộ, công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Việc kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý như Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy, đồng thời là Trưởng phòng nội vụ cấp huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp huyện… được thực hiện thí điểm.
Đồng thời, nhiều mô hình tổ chức bộ máy ở các địa phương được thực hiện thí điểm như hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra cấp huyện; hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ cấp huyện… Việc sắp xếp các ban quản lý dự án ở địa phương đã giảm 17 đầu mối trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 92 đầu mối cấp phòng; 22 cán bộ lãnh đạo cấp sở, 121 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Các địa phương đã xây dựng đề án, kế hoạch sắp xếp thôn, tổ dân phố; kết quả giảm 16.994 thôn, tổ dân phố. Một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền để thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị...
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ trọng chi thường xuyên năm 2018 của cả nước còn 63,3%, giảm 1,6% so với năm 2017 (mặc dù vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm) và thấp hơn kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%), góp phần giảm mạnh nợ công từ mức 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% GDP năm 2018, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ cho biết.
Đề cập tới những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện, đồng chí Nguyễn Văn Tùng cho biết việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những mô hình mới chưa có tiền lệ, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, có thời gian, lộ trình phù hợp. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế chưa được sửa đổi. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, tinh giản biên chế.
Cùng với đó, hệ thống các văn bản quy định và hướng dẫn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế tối thiểu thành lập một tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa... chưa được ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đồng bộ; Nghị định về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chưa được ban hành...
Thời gian tới, các cơ quan chức năng tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành hệ thống quy định, hướng dẫn của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, bảo đảm đồng bộ, tổng thể, thống nhất, liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn, giảm đầu mối trực thuộc các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc, giảm số lượng lãnh đạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc, đơn vị sự nghiệp cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện; thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.