Giao Chính phủ quy định thủ tục cấp chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN
Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 Chương, 52 Điều.
Về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất (Điều 9) và điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất (Điều 10), có ý kiến đề nghị rà soát quy định điều kiện hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất để bảo đảm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, thống nhất với các chủ trương, quan điểm của Đảng và Quốc hội theo hướng “chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hóa chất là lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố, hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất có liên quan trực tiếp đến an toàn lao động, sức khỏe của con người và bảo vệ môi trường. Do đó, những tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn trong lĩnh vực hóa chất (bao gồm tư vấn thiết kế công nghệ, lựa chọn và lắp đặt thiết bị, lập Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất…) cần phải có chuyên môn sâu về hóa chất, công nghệ, an toàn hóa chất.
Việc quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tư vấn chuyên ngành trong lĩnh vực hóa chất và cấp chứng chỉ đối với cá nhân nhằm đảm bảo chất lượng của quá trình tư vấn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng, phù hợp, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Vì vậy, đề nghị giữ quy định về tư vấn chuyên ngành hóa chất như dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 57-NQ/TW và không tạo gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp hoạt động tư vấn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung theo hướng giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ, dự kiến sẽ áp dụng hệ thống cấp chứng chỉ trực tuyến đối với hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất.
Về xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (Điều 39), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá lại căn cứ, tính khả thi của quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất để bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn vệ sinh lao động...; rà soát Luật Bảo vệ môi trường để tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và ứng phó sự cố môi trường.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng, thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 đã góp phần tăng cường năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các lực lượng, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố và giảm thiểu hậu quả của các sự cố hóa chất. Các quy định của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Về phương án lồng ghép, tích hợp Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, việc lồng ghép, tích hợp này sẽ khó khăn do có một số sự khác nhau giữa hai kế hoạch về đối tượng, phạm vi, yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật.
Phòng ngừa từ sớm, từ xa sự cố hóa chất
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã cơ bản hoàn thiện, là bước tiến quan trọng trong việc xác lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý hóa chất. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tạo sự thống nhất với Luật Dược, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... và các luật có liên quan.
Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 3), dự thảo Luật đã cấm các hành vi như: sản xuất, kinh doanh trái phép hóa chất; sửa chữa, làm giả giấy phép; cung cấp thông tin sai lệch; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc... Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, hiện nay tình trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm; nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ... diễn ra rất phổ biến.
Các hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng, nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong hành vi nghiêm cấm. Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung một khoản mới vào Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”. Đồng thời, nên có quy định giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm trong dự thảo Luật, đó là hành vi sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Bởi, vấn đề này đã diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị bổ sung quy định “các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công Thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị trường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định”.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất; bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý vận chuyển qua “hóa đơn điện tử”, dấu vết sản phẩm… vì các quy định của dự thảo Luật liên quan đến các loại hóa chất này vẫn còn chưa cụ thể và chưa thể hiện được tính nghiêm khắc khi xử lý vi phạm.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành với nội dung về xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật để bảo đảm việc ứng phó sự cố một cách kịp thời, chủ động trong điều kiện diễn biến bất thường, bất định, khó lường. Trong thời gian dài hạn, đại biểu đề nghị xây dưng giải pháp chiến lược tổng thể toàn diện quốc gia, cùng với các nguồn lực đủ mạnh, công nghệ hiện đại để phòng ngừa từ sớm, từ xa sự cố hóa chất, sự cố môi trường.