Đề xuất cơ chế hợp tác giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 

Ngày 24/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã trao Quyết định số 1007-QĐ/NSTW của Bộ Chính trị phân công, bổ nhiệm ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chúc mừng tân Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị phân công ông Phan Chí Hiếu kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 đúng dịp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập, sẽ tạo bước tiến mới trong sự phát triển của Viện. Bộ Chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn, với nguồn lực và bề dày lịch sử truyền thống của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, ông Phan Chí Hiếu tiếp tục tổ chức, huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của cả nước; trong đó có công tác nghiên cứu lý luận chính trị, xây dựng các luận cứ cung cấp cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Phan Chí Hiếu cam kết sẽ dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ cho công việc của Hội đồng; cầu thị học hỏi để nhanh chóng tiếp cận công việc mới và thực hiện thật tốt trách nhiệm và quyền hạn của thành viên Hội đồng và của Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng Lý luận Trung ương. Với vai trò là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông sẽ chỉ đạo Viện đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu lý luận, lý luận chính trị; phối hợp công tác hiệu quả với Hội đồng Lý luận Trung ương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong chiều 24/11, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về công tác nghiên cứu lý luận nói chung và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị.

Các ý kiến tập trung làm rõ năng lực của Viện trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị. Viện hiện có khoảng 1.387 viên chức và hơn 251 hợp đồng lao động; trong đó có 1 Giáo sư, 67 Phó Giáo sư và 444 Tiến sỹ, 716 Thạc sỹ. Để đáp ứng kịp thời các yêu cầu về tham mưu, tư vấn chính sách, Viện đã thành lập một số nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, gồm các cán bộ có năng lực tốt trong nghiên cứu và tư vấn chính sách để thực hiện một số vấn đề cấp bách, phức tạp, mang tính thời sự hoặc theo nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, Viện Hàn lâm có khả năng xây dựng và cung cấp các cách tiếp cận, phương pháp phân tích, khung lý thuyết, các dữ liệu phong phú phục vụ nghiên cứu lý luận nói chung, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng; cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng, luận giải, làm sáng tỏ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều công trình nghiên cứu lý luận của Viện đã phân tích, đánh giá một cách khách quan, đa chiều và mang tính phản biện khoa học đối với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm tham gia xây dựng và trực tiếp góp ý vào nhiều dự thảo văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như: Văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo luật… và các văn bản quan trọng khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội.

Đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất cơ chế phối hợp các hoạt động hợp tác với Hội đồng Lý luận Trung ương. Hai cơ quan có thể xác định định hướng nghiên cứu 5 năm và xây dựng định hướng nghiên cứu chung hàng năm. Từ đó làm cơ sở cho việc hình thành các kế hoạch nghiên cứu cụ thể hằng năm của mỗi bên, bảo đảm bám sát nhu cầu thực tiễn và năng lực thực hiện của Viện.

Hội đồng Lý luận Trung ương quan tâm đặt hàng đề tài, nhiệm vụ, các báo cáo tư vấn chính sách trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực của mỗi cơ quan, phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm trong một số lĩnh vực nghiên cứu lý luận và lý luận chính trị. Hai bên xây dựng cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin, trao đổi sản phẩm nghiên cứu, truy cập cơ sở dữ liệu nghiên cứu; tạo điều kiện thuận lợi để huy động chuyên gia tham gia các hoạt động nghiên cứu của mỗi bên và các hoạt động nghiên cứu chung…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng các ý kiến phát biểu nêu rõ những định hướng mới trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, trong đó có nội dung nghiên cứu về lý luận chính trị. Hội đồng Lý luận Trung ương tin tưởng công tác nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thời gian tới sẽ ngày càng hiệu quả hơn, khẳng định vai trò, xác định tầm quan trọng, bản sắc của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đối với quá trình đẩy mạnh đổi mới toàn diện đất nước.

Cùn với nghiên cứu về các vấn đề lý luận, Viện cần đặc biệt coi trọng nghiên cứu cơ bản. Hội đồng Lý luận Trung ương rất mong đợi những thay đổi tích cực trong nghiên cứu khoa học của Viện, đặc biệt là những đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và chuẩn bị tiền đề cương lĩnh cho giai đoạn tiếp sau.

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Viện cần rà soát lại nhân sự hiện có, sắp xếp vị trí làm việc hợp lý để cán bộ yên tâm công tác, tập trung nghiên cứu khoa học. Viện có cơ chế cụ thể khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ làm việc; trang bị cho cán bộ trẻ kiến thức lý luận, tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng.

Hoàng Vân (TTXVN)
Kỳ họp thứ tám Hội đồng Lý luận Trung ương
Kỳ họp thứ tám Hội đồng Lý luận Trung ương

Ngày 30/9, tại tỉnh Hà Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ tám. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Kỳ họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN