Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tri Thức phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, bổ sung chính sách và chế độ ưu đãi đối với người làm việc trong môi trường phóng xạ. Bên cạnh đó, nguyên tắc an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết, không nên quy định cứng trong luật vì các nguyên tắc này theo đổi liên tục theo sự phát triển của khoa học. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về hoạt động mua bán, vận chuyển chất phóng xạ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, dự thảo Luật nêu định hướng chung là đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên lại chưa xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên hay chính sách cụ thể đối với từng lĩnh vực.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị xác định thứ tự ưu tiên theo lĩnh vực ứng dụng. Theo đó, Nhà nước cần ưu tiên phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao, về mức độ phức tạp công nghệ và mức độ rủi ro gồm: Lĩnh vực y tế, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chuẩn đoán hình ảnh, xạ trị ung thư, kiểm tra chất lượng thuốc phóng xạ là những lĩnh vực tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân đang có nhu cầu lớn và dễ tiếp cận khoa học - công nghệ.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp ứng dụng trong chiếu xạ khử trùng, kiểm tra mối hàng bằng phóng xạ, đo mật độ, độ dày có tính thương mại cao, nâng cao năng suất về chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là lĩnh vực nghiên cứu đào tạo, phát triển các trung tâm nghiên cứu, đồng vị để đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển công nghệ lõi. Lĩnh vực điện hạt nhân là mục tiêu dài hạn, có tính chất chiến lược về năng lượng nhưng cần triển khai từng bước, đảm bảo đủ điều kiện về công nghệ, nhân lực và hệ thống pháp lý.
Quan tâm đến quy định nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Điều 46 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất bổ sung nguyên tắc "trách nhiệm mở rộng" của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ. Theo đó, tổ chức, cá nhân tạo ra chất thải phải chịu trách nhiệm đến cùng, kể cả khi chất thải đã được chuyển giao cho bên thứ ba. Việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đùn đẩy nghĩa vụ và tránh để lại gánh nặng cho Nhà nước trong xử lý hậu quả môi trường, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc cố tình thoái thác nhiệm vụ.
Về trách nhiệm của cơ sở quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Điều 48, đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết phải có tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở xử lý không chỉ dựa trên quy chuẩn kỹ thuật mà còn cần đánh giá tác động xã hội và có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư vùng bị ảnh hưởng.
Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Trong phiên họp sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội tập trung vào 3 nhóm nội dung chủ yếu. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với Luật số 62/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết có liên quan về tổ chức bộ máy (như các quy định liên quan đến tên gọi, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; sửa quy định về kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ; quy định liên quan đến Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký và việc triển khai các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội…
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự phù hợp và tương thích với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 (như các quy định liên quan đến quy trình xem xét, thông qua, trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận trong kỳ họp Quốc hội…); sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là của Chính phủ trong quy trình lập pháp, lập quy.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Do dự thảo Nghị quyết có một số điều, khoản liên quan trực tiếp đến quy định của một số luật, nghị quyết đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và trình xem xét, thông qua đồng thời tại Kỳ họp thứ 9, nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát nội dung dự kiến sửa đổi tại các văn bản có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.