Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trực tiếp làm Trưởng đoàn và cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch, các quy định của pháp luật và làm việc nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm, khoa học, có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng kết quả giám sát.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, báo cáo giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể, toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Điểm lại những kết quả nổi bật đạt được, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống văn bản được ban hành tương đối toàn diện, bao quát các lĩnh vực theo yêu cầu đổi mới và đúng với tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14. Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung được xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới. Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in, phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên được bố trí tập huấn đầy đủ phục vụ chương trình mới. Nhà nước cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, triển khai chương trình mới.
Về hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ý kiến của Đoàn giám sát là có cơ sở. Báo cáo đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền, quán triệt, đổi mới chương trình chưa thực sự hiệu quả và còn có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai. Theo đó, cần đánh giá chương trình và các nội dung trong các bộ sách giáo khoa đã đáp ứng được yêu cầu mục tiêu xuyên suốt của cải cách lần này là chuyển trọng tâm từ cung cấp, truyền thụ kiến thức sang trọng tâm là nâng cao năng lực, phẩm chất người học hay chưa? Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc tích hợp các môn học ở bậc Trung học Cơ sở, việc đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, thi, kiểm tra…
Liên quan đến chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về vấn đề này. Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thực trạng mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, thảo luận để thống nhất về vấn đề này.
Cơ bản đồng tình cơ bản với đề nghị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, các ngành, địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, cần quán triệt sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thể chế, nhất là những vấn đề báo cáo giám sát đã chỉ ra, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai chương trình mới; tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn để tạo sự thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; tiếp tục quản lý chặt chẽ, thường xuyên rà soát, đánh giá, hoàn thiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 88/2014/QH13.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành Giáo dục và Đào tạo; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay; có chính sách để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, đặc biệt là chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những nơi còn khó khăn.