Đây là những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Trong khi đó, thời gian tới số lượng dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới rất lớn. Vì vậy, tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, phải đổi mới tư duy, cách làm và các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để khắc phục hạn chế, bất cập, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.
Siết chặt kỷ cương trong xây dựng luật, pháp lệnh
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo đã có nhiều biện pháp tích cực để triển khai kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, giải quyết những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, đồng thời phối hợp tốt với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh đạt hiệu quả tích cực, có nhiều tiến bộ; chất lượng xây dựng luật ngày càng được nâng lên.
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, từ nay đến năm 2020 còn 43 luật, pháp lệnh cần được sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới, chưa kể các dự án luật, pháp lệnh khác để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7. Khối lượng xây dựng luật, pháp lệnh như vậy là khá lớn, khó đảm bảo yêu cầu chất lượng. Bên cạnh đó, một số dự án luật chất lượng chưa tốt, do đó vừa ban hành xong đã phát sinh vấn đề cần sửa đổi, bổ sung làm cho số dự án luật thuộc diện sửa đổi, bổ sung tăng lên. Thời gian qua, số lượng văn bản của Chính phủ gửi sang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xử lý hoặc giải thích pháp luật có xu hướng tăng lên, trong đó có những vấn đề đã giao cho Chính phủ, các bộ, nhưng vẫn đề nghị đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm tăng khối lượng công việc không cần thiết.
Ngoài ra, thời gian chuyển dự án luật, pháp lệnh sang cơ quan thẩm tra hầu như không đúng quy định. Đây là tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục. Đáng chú ý, nhiều dự án Luật khi trình ra chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thậm chí làm phá vỡ hệ thống pháp luật.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới cần đánh giá lại xem có vấn đề gì phải điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh và nên hạn chế bớt số lượng dự án. “Phải có trật tự ưu tiên, không thể dàn đều được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các cơ quan phải chủ động rà soát. Theo đó, Bộ Tư pháp với tư cách là người gác cổng cho Chính phủ phải xem xét kỹ lưỡng về sự cần thiết, tính khả thi, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự án luật. Ủy ban thẩm tra phải kiên quyết trả lại những dự án luật không đủ điều kiện. “Phải “chặn” ngay từ khâu thẩm tra thì mới nâng cao chất lượng các dự án luật. Cần siết chặt kỷ luật xây dựng luật, pháp lệnh để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ.
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Nhấn mạnh việc không nên vội vàng, “cái gì chín thì ta làm, cái gì rõ thì ta quyết”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với quan điểm: Các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nên kiên quyết; những hồ sơ nào chưa đảm bảo chất lượng, chưa rõ về mặt hoạch định chính sách thì để lại nghiên cứu kỹ lưỡng với thái độ cầu thị, trách nhiệm.
Ngoài ra, thời gian thảo luận xây dựng luật phải nghiên cứu kỹ hơn. “Luật của chúng ta phạm vi rộng, điều kiện thảo luận hạn chế, các đại biểu Quốc hội thảo luận thì cũng có nhiều ý kiến khác nhau, vì thế cần cân nhắc thời gian thảo luận”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, cần sớm nghiên cứu quy trình làm luật trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bởi trong giai đoạn hiện nay, phương thức, cách làm mới, cách tiếp cận mới, phương tiện hiện đại hơn, trình độ cập nhật của Việt Nam với quy trình xây dựng luật của thế giới cũng cao hơn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, tuổi thọ của luật không ổn định không hẳn vì chất lượng của luật mà do nhiều yếu tố, trong đó có tác động từ kinh tế thế giới, quan hệ giữa Việt Nam với các nước khiến nhiều luật phải thay đổi. Vì thế, công tác xây dựng pháp luật cần mang tính cập nhật, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, để công tác này thật sự chuyên nghiệp.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định, nếu không giải quyết được bài toán chuyên nghiệp trong thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng luật, pháp lệnh thì những tồn tại, hạn chế trong xây dựng luật khó khắc phục được. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, thời gian qua, Chính phủ đã đổi mới khi các phiên họp đều mời Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan đảng tham gia. “Tuy nhiên, trong 1 buổi họp mà thảo luận, cho ý kiến tới 6 luật thì chắn chắn chất lượng không thể cao được. Trong buổi cho ý kiến chuyên sâu về xây dựng pháp luật, cơ quan soạn thảo báo cáo luật này có hai vấn đề lớn, còn ai có ý kiến khác không, thì tất cả đều đồng ý", Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị nên tổng kết xem phương pháp làm luật thế nào. Thời gian qua, bộ nào được giao chủ trì soạn thảo dự án luật thì giao cho vụ pháp chế soạn thảo, với cách làm như vậy thì chất lượng không thể đảm bảo được.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị thực hiện đúng quy trình xây dựng luật, đặc biệt là vấn đề lấy ý kiến cử tri. Người dân không phải ai cũng có điều kiện hay quan tâm đến việc vào cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc cổng thông tin điện tử của bộ để lấy thông tin về các dự án luật. “Rất nhiều dự án luật chúng ta ban hành rồi, khi tổ chức thực hiện lại vướng, gặp nhiều khó khăn. Đề nghị không nên làm tắt, bỏ bớt quy trình, nên nghiên cứu khâu lấy ý kiến để làm tốt hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị.