Các đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn Phúc Yên dự lễ.
Theo Nghị quyết, phường Tiền Châu được thành lập trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu. Địa giới hành chính phường Tiền Châu bao gồm: Đông giáp các phường Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Nam giáp thành phố Hà Nội; Bắc giáp phường Nam Viêm.
Phường Nam Viêm được thành lập trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm. Địa giới hành chính phường Nam Viêm bao gồm: Đông giáp thành phố Hà Nội; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Nam giáp các phường Trưng Nhị, Phúc Thắng, Tiền Châu; Bắc giáp xã Cao Minh và phường Xuân Hòa.
Thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2 diện tích tự nhiên và 155.435 người của thị xã Phúc Yên; phía Đông và Nam giáp thành phố Hà Nội; Tây giáp huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi thành lập hai phường và thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 2 thành phố; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã, 15 phường và 12 thị trấn. Thành phố Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường Đồng Xuân, Hùng Vương, Nam Viêm, Phúc Thắng, Tiền Châu, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa và 2 xã Cao Minh, Ngọc Thanh.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhấn mạnh: Để thành phố Phúc Yên phát triển nhanh chóng, toàn diện hướng thới một thành phố văn minh, hiện đại, thời gian tới Phúc Yên cần rà soát kỹ, bổ sung quy hoạch tổng thể cho đô thị, sao cho khoa học, hợp lý hơn.
Thành phố Phúc Yên cần quan tâm, coi trọng đầu tư cho các dự án trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên các dự án có năng lực sản xuất kinh doanh, có trình độ khoa học công nghệ cao…
Phúc Yên cũng cần phát triển nguồn nhân lực mạnh mẽ toàn diện, đặc biệt là làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn, xây dựng Phúc Yên nhanh chóng trở thành thành phố văn minh, giàu đẹp.
Đồng chí Đoàn Văn Tiến, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên bày tỏ niềm vui, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phúc Yên. Cùng với lễ công bố Nghị quyết việc thành lập thành phố Phúc Yên, thành phố đang ra sức thi đua, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên (1958-2018), chào mừng 113 năm ngày thành lập đô thị Phúc Yên (31/10/1905 - 31/10/2018).
Phúc Yên có vị trí thuận lợi, là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Bắc Bộ - bằng hệ thống giao thông huyết mạch như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2A, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai... Thành phố Phúc Yên chỉ cách Sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 10 km. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Toyota, Honda... Nhiều khu đô thị, dự án nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư và hoạt động hiệu quả như: Khu đô thị Đồng Sơn, Khu đô thị Xuân Hòa, Khu đô thị Hùng Vương Tiền Châu và một số đô thị khác...; các Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao như Flamingo Đại Lải, Sân golf Đại Lải...
Nhiều năm qua, Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách trong 3 năm gần đây đều đạt và vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng; thu nhập trung bình đầu người hàng năm đạt trên 75,2 triệu đồng/người/năm.
Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, ngày 7/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên; thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên, là niềm tự hào, vinh dự của mỗi người dân thành phố.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, xây dựng nền kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Trước mắt, thành phố làm tốt công tác quy hoạch; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với hoàn thiện các tiêu chí để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, thành phố Phúc Yên cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại 2.