TTXVN trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: TTXVN phát |
Xin Thứ trưởng cho biết những thành công cụ thể trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Australia và New Zealand?
Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ lễ tân, chương trình hoạt động, đến nội dung trao đổi, văn kiện ký kết và những hoạt động bên lề nhân chuyến thăm. Báo chí đã đưa tin đậm nét, tôi xin điểm lại những kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, chuyến thăm đã đánh dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand lên một tầng nấc mới. Với Australia, đó là việc chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược, được hợp thức hóa bằng Tuyên bố chung do hai Thủ tướng ký kết.
Đây không chỉ là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực vun đắp quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 9 năm triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện (2009-2018), mà còn khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của Lãnh đạo và nhân dân hai nước trên cơ sở lợi ích song trùng và tầm nhìn chiến lược ngày càng gia tăng, cả về song phương và ở tầm khu vực.
Với việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược thứ 16 với Australia, Việt Nam đã dần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng ở tất cả các châu lục, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của ta ở khu vực và trên thế giới.
Với New Zealand, đó là việc tăng cường hơn nữa các nội hàm của quan hệ Đối tác Toàn diện, khẳng định quyết tâm và đề ra lộ trình cụ thể để hướng tới thiết lập Đối tác Chiến lược trong tương lai gần.
Tại New Zealand và Australia, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học hai nước đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác (tại New Zealand là 12; tại Australia là 24), tạo thêm khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, quốc phòng, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, khoa học-công nghệ…. Chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam củng cố lòng tin với chính giới, xây dựng tình cảm với người dân của hai nước Australia và New Zealand.
Thứ hai, chuyến thăm đã đặt nền tảng quan trọng để khai phá tiềm năng, thúc đẩy kết nối giữa kinh tế nước ta với kinh tế Australia và New Zealand, mang lại những cơ hội thực chất và lợi ích hữu hình cho địa phương, doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu đề ra của ta cho các chuyến thăm.
Các cam kết của Australia và New Zealand trong mở cửa thị trường nông sản, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho một số ngành nông nghiệp mũi nhọn của ta như trồng cây ăn quả, sản xuất lúa gạo, sản xuất và chế biến sữa, trồng và chế biến cây macca… hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Đặc biệt, việc tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp tại cả hai nước (ở New Zealand với hơn 300 và ở Australia với hơn 400 doanh nghiệp tham dự), với 17 thỏa thuận được ký kết tại Australia và 4 thỏa thuận được ký kết tại New Zealand, đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trao đổi trực tiếp để xác định những cơ hội hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực mà Bạn có thế mạnh và ta đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thương mại nông sản, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ… Có thể nói, chuyến thăm đã tạo làn gió mới cho hợp tác kinh tế giữa ta với Australia và New Zealand.
Thứ ba, chuyến thăm đã tạo đột phá quan trọng cho giao lưu giữa nhân dân hai nước, thông qua những mối liên kết đặc biệt về giáo dục, du lịch, lao động và lực lượng đông đảo kiều bào ta tại đây. Có nhiều con số được nhấn mạnh trong trao đổi giữa Lãnh đạo hai nước và Thủ tướng ta như: lượng khách du lịch Australia và New Zealand sang Việt Nam tăng đột biến, với Australia là gần nửa triệu lượt, với New Zealand là hơn 50.000 lượt riêng trong năm 2017; Việt Nam có hơn 30.000 sinh viên đang theo học và 60.000 cựu sinh viên đã học tập tại Australia, hơn 3.000 sinh viên đang học tại New Zealand.
Hơn 300.000 người Việt Nam đang định cư tại Australia và 6.000 người Việt Nam đang định cư tại New Zealand đã bước sang thế hệ thứ hai, ngày càng ổn định cuộc sống và có nhiều đóng góp quan trọng vào xã hội sở tại, luôn hướng về quê hương đất nước; những thỏa thuận tăng số lượng học bổng của Chính phủ hai nước, triển khai hiệu quả Kế hoạch Colombo Mới của Australia, Chương trình Lao động Kỳ nghỉ với cả Australia và New Zealand...
Ngoài Vietjet Air ký thỏa thuận xúc tiến mở đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Brisbane của Australia, hai bên cũng khẳng định quyết tâm mở thêm các đường bay thẳng nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu, kết nối giữa Việt Nam và Australia, New Zealand.
Những nội dung này trong chuyến thăm đã tạo niềm tin và không khí phấn khởi trong dư luận và nhân dân hai nước, tạo nền tảng vững chắc cho không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai lâu dài của quan hệ Việt Nam - Australia và Việt Nam - New Zealand.
Những nhân tố nào làm nên thành công của chuyến thăm, thưa ông? Chuyến thăm thành công là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, như chúng ta vẫn thường nói là sự kết hợp của thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó, phải kể đến những nhân tố nổi bật sau:
Thứ nhất, đó là thế và lực của Việt Nam đang tăng lên rõ rệt. Nội lực của ta đang được tăng cường nhờ kinh tế phát triển nhanh và vững chắc, an ninh được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo, bên cạnh sự gia tăng các lợi thế cạnh tranh và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt, sau thành công của Năm APEC 2017 và việc ta phối hợp cùng các nước thúc đẩy ký kết Hiệp định CPTPP đầu tháng 3 vừa qua, cả Australia và New Zealand đều coi trọng hơn, đánh giá cao vai trò và vị thế của ta.
Chính giới và doanh nghiệp Australia và New Zealand đều thấy rõ nhiều cơ hội ngày càng gia tăng trong hợp tác với Việt Nam cả về song phương và trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, thể hiện rõ quan tâm tăng cường, củng cố hơn quan hệ với Việt Nam vì lợi ích của mỗi bên.
Có được điều này phải kể đến vai trò cá nhân của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong việc khẳng định quyết tâm của Chính phủ ta về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân, doanh nghiệp, cam kết cải cách và hội nhập, cũng như chỉ đạo sát sao các bộ, ngành.
Thứ hai, Việt Nam cùng Australia và New Zealand đang gia tăng hội tụ lợi ích về cả song phương và đa phương. Về song phương, đó là nhu cầu hợp tác phục vụ phát triển ở mỗi nước trên nền tảng tính bổ trợ lẫn nhau của các nền kinh tế, những cơ hội mở rộng đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ-kỹ thuật, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cùng có lợi như thương mại, du lịch, giáo dục, nông nghiệp…
Về đa phương, đó là quyết tâm và tầm nhìn chung của hai nước đối với bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, bảo đảm trật tự khu vực mở, thịnh vượng bao trùm và dựa trên luật lệ, thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, APEC, EAS….
Thứ ba, là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả hai bên cho chuyến thăm từ giữa 2017 khi ta xác định chủ trương Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia. Trên cơ sở quan hệ tin cậy, phía Australia đáp ứng tích cực các yêu cầu của ta trong quá trình xây dựng chương trình, chuẩn bị nội dung, xây dựng văn kiện cho chuyến thăm, với mong muốn chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp.
Đối với ta, đó là sự đóng góp to lớn của không chỉ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia trực tiếp mà còn của cộng đồng người Việt ta tại Australia và New Zealand. Các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương ta đều có nhu cầu hợp tác lớn với Australia và New Zealand, quyết tâm đưa quan hệ với hai nước đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các Cơ quan đại diện ta tại New Zealand, Australia (cả ở Canberra và Sydney) cũng đã nỗ lực, chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, thu xếp chương trình phù hợp, thực chất, bảo đảm hậu cần vật chất chu đáo, góp phần vào thành công chung của chuyến thăm.
Trong chuyến thăm Australia lần này, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia, vậy xin Thứ trưởng cho biết Hội nghị đặc biệt ở điểm nào, mục đích ra sao? Hội nghị lần này thực sự có ý nghĩa đặc biệt vì: Thứ nhất, đây là lần đầu tiên một Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN và Australia được tổ chức tại Australia (trước đó các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia đều diễn ra tại các nước ASEAN[1]).
Thứ hai, mặc dù không rơi vào năm tròn/chẵn nhưng Hội nghị là mốc phát triển quan trọng nhằm cụ thể hoá quan hệ đối tác chiến lược (được nâng cấp năm 2014) giữa hai bên, đồng thời tái khẳng định cam kết của Australia đối với khu vực và ASEAN[2].
Thứ ba, trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế biến chuyển phức tạp, việc tăng cường cam kết giữa ASEAN và Australia, hai đối tác có vai trò, vị trí quan trọng, sẽ góp phần định hướng cho 1 khuôn khổ hợp tác ổn định, hiệu quả ở khu vực.
Thứ tư, tiếp theo việc Mỹ, Nga, Ấn Độ tổ chức Hội nghị Cấp cao Đặc biệt mời Lãnh đạo ASEAN, Hội nghị lần này tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực, được các đối tác lớn quan tâm, coi trọng.
Hai mục tiêu chính của Hội nghị có thể gói gọn là: Cụ thể hoá và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Australia; và khẳng định cam kết của cả Australia cũng như ASEAN đẩy mạnh hợp tác vì an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Cụ thể, Hội nghị đạt được những mục tiêu gì? Các nước ASEAN và Australia đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị suốt 2 năm qua. Theo tôi, về cơ bản, Hội nghị đã đạt được cả hai mục tiêu đề ra kể trên, cụ thể:
Trước hết, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết mạnh mẽ của cả ASEAN và Australia vì một khu vực hoà bình, ổn định và rộng mở, đồng thời chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề mang tầm chiến lược, trong đó có Biển Đông, hợp tác trên các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, liên kết kinh tế khu vực...
Australia tái khẳng định coi trọng ASEAN, cam kết tích cực phối hợp cùng ASEAN tại các diễn đàn quan trọng ở khu vực như EAS, tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại ở các cấp với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong 1 cấu trúc khu vực hoạt động dựa trên luật lệ.
Để cụ thể hoá nội hàm đối tác chiến lược, Hội nghị đã trao đổi về các ưu tiên hợp tác giữa ASEAN và Australia giai đoạn tới, trong đó có: Tăng cường hợp tác kinh tế và kết nối khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đầu tư và gắn kết các doanh nghiệp, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); tích cực phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực tại các khuôn khổ RCEP, APEC, CPTPP ...; Đẩy mạnh hợp tác về an ninh khu vực, trong đó chú trọng hợp tác biển, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, phòng chống khủng bố, hợp tác quốc phòng...; Thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân thông qua các hoạt động giáo dục-đào tạo, trao đổi văn hoá, tích cực hợp tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu...
Đã có 15 sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực được công bố và ghi nhận tại Hội nghị. Các kết quả cụ thể đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố Sydney được thông qua khi kết thúc Hội nghị.
Xin Thứ trưởng cho biết về vai trò và đóng góp của Đoàn Việt Nam, nhất là của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị ngay sau chuyến thăm chính thức tới Australia với việc hai nước quyết định nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược nên càng có ý nghĩa. Là một người bạn gần gũi của Australia trong ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và tích cực cùng Australia trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như tại Hội nghị.
Trước Hội nghị, Việt Nam đã phối hợp với Australia và các nước ASEAN xây dựng chương trình nghị sự phù hợp, đảm bảo cân bằng lợi ích cho các bên. Chúng ta cũng phát huy vai trò tích cực trong quá trình soạn thảo 2 văn kiện quan trọng của Hội nghị là Tuyên bố Sydney và Bản ghi nhớ ASEAN - Australia về hợp tác chống khủng bố quốc tế; đóng góp hoàn thiện 15 sáng kiến hợp tác được đưa ra tại Hội nghị, trên cơ sở đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, kết hợp hài hoà giữa lợi ích và quan tâm của cả ASEAN và Australia.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu về định hướng quan trọng cho quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Australia, với hai ưu tiên lớn là tăng cường hợp tác kinh tế và đảm bảo hoà bình, an ninh ở khu vực.
Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh hai khía cạnh: Ở tầm chiến lược, ASEAN và Australia cần giữ vững vai trò động lực cho tiến trình hợp tác và liên kết kinh tế ở khu vực. Trong khi đó, từ góc độ thực tiễn, hai bên cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân có thể khai thác được tối đa lợi ích từ các thoả thuận hợp tác kinh tế đã có, trong đó có Hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).
Về hoà bình, an ninh, Thủ tướng cho rằng ASEAN và Australia, với tư cách là những đối tác có vai trò quan trọng ở khu vực, cần nỗ lực xây dựng một trật tự minh bạch và dựa trên luật lệ, đảm bảo mọi hành xử của các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 1 trong 4 Nhà Lãnh đạo ASEAN được mời phát biểu chính tại phiên họp hẹp của Hội nghị. Thủ tướng đã chỉ ra thực trạng các vùng biển ở khu vực, tuy bề mặt ổn định, nhưng bên dưới vẫn có sóng ngầm, do đó cần lấy thượng tôn pháp luật làm nền tảng để xây dựng lòng tin, đồng thời áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong hợp tác biển.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng đã đánh giá đúng đặc điểm tình hình khu vực hiện nay, chia sẻ phù hợp về định hướng hợp tác giữa hai bên, đáp ứng được quan tâm và nhu cầu của cả ASEAN và Úc, cũng như của Việt Nam.
Sự tham gia chủ động và đóng góp tích cực của Đoàn ta tại Hội nghị được cả Australia và các nước ASEAN ghi nhận, đánh giá, đồng thời góp phần củng cố thêm quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!