Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại An Giang

Ngày 28/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đời sống nhân dân tuyến biên giới tại An Giang.

Khảo sát hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Chủ tịch nước đã nghe cán bộ chiến sĩ Hải quan, Biên phòng cửa khẩu báo cáo về hoạt động thương mại, trật tự an ninh vùng biên mậu. Nằm tiếp giáp với huyện Krivong, tỉnh Tà Keo, vương quốc Campuchia, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Tịnh Biên đạt 111 triệu USD.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành đang làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Thời gian qua, quan hệ giữa chính quyền và người dân hai bên biên giới thân tình, hữu nghị, phát triển giao thương, hợp tác cùng phát triển. Các cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước về xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị; hỗ trợ người dân nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm: buôn lậu, trộm cắp... lợi dụng địa bàn biên giới để hoạt động.

Chủ tịch nước đã đến thăm cánh đồng năng suất cao, hỏi chuyện với các nông dân làm kinh tế giỏi của xã biên giới An Nông thuộc huyện Tịnh Biên, địa phương có hơn 6km đường biên giới tiếp giáp Campuchia, đạt 100% diện tích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Được biết An Nông đạt năng suất lúa đạt cao, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của An Nông vẫn chiếm 14%; Chủ tịch nước nêu rõ, thời điểm hội nhập cận kề, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, trong đó có nông sản của nông dân An Giang sẽ chịu cạnh tranh quyết liệt.

Chủ tịch nước nhấn mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cần phải được rà soát kỹ lưỡng. Những sản phẩm không đủ sức cạnh tranh sẽ phải chuyển dịch, thay thế. Những mặt hàng có lợi thế phải được tập trung đầu tư phát huy. Chủ tịch nhấn mạnh, là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam không thể chỉ dừng lại với mức độ đạt được hiện thời. Cùng với tăng năng suất, An Nông nói riêng, An Giang nói chung, phải tính toán cơ cấu hợp lý, kết hợp với tìm hiểu thị trường; hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác. Người dân An Giang qua các thời kỳ luôn có nhiều sáng kiến trong phát triển nông nghiệp, kinh tế hàng hóa. Do vậy, cần tiếp tục kế thừa truyền thống có cách làm sáng tạo, đột phá để trở thành điểm sáng cho cả nước học tập.

Kiểm chứng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong khai thác nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo Công ty cổ phần thủy sản An Giang (Agifish) trình bày chiến lược kinh doanh trong tình hình mới. Chủ tịch đề nghị tập thể cán bộ công nhân đơn vị cải tiến sản xuất, nâng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, tạo thêm các sản phẩm giá trị gia tăng, đưa thương hiệu thủy sản của Việt Nam trở thành chủ lực trên thương trường. Nằm trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất về thủy sản, Agifish cần hỗ trợ bạn hàng, đối tác theo tinh thần hợp tác cùng có lợi; chăm lo chu đáo đời sống người lao động, nhất là trong dịp Tết nguyên đán cận kề.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về kết quả triển khai các chương trình kinh tế xã hội năm 2014. Là tỉnh phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp, gần đây, nông nghiệp An Giang đã đạt đến mức chạm trần. Do đó, để tạo hướng tăng trưởng mới, An Giang xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị làm nền tảng để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh An Giang đã xây dựng thành công một số mô hình mang lại hiệu quả. Đến nay diện tích cánh đồng mẫu lớn tại An Giang đã tăng 34.200ha, giúp lợi nhuận người nông dân tăng thêm 15-20% so với sản xuất ngoài mô hình, khắc phục tình trạng "trúng mùa, rớt giá".

Đời sống người dân vùng biên giới phát triển theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 huyện, thị thành biên giới đạt từ 11-15%, thu nhập bình quân đầu người từ 28-47 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng 18 xã biên giới từng bước được nâng cấp, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch.

Chủ tịch nước nêu rõ, là một trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, An Giang cần cải thiện năng suất để có mặt hàng chủ lực. Chủ tịch nước đề nghị trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ, Bộ Nông nghiệp, các cơ quan chức năng cùng lãnh đạo tỉnh An Giang cần phải rà soát lại các sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh như lúa gạo, cá tôm, đồ gỗ, hoa trái…để chuyển dịch đúng hướng, tính toán mở rộng hay thu hẹp quy mô phát triển.

Trước tình hình tương quan giữa hàng nông sản của An Giang và các nước lân cận trên thị trường thế giới cho thấy sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, tỉnh phải hết sức lưu ý để thúc đẩy, tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của An Giang, đặc biệt là vùng biên giới, Chủ tịch nước căn dặn tỉnh chú ý giải quyết ổn thỏa, kịp thời các vấn đề phát sinh; quan tâm nhiều hơn đến nông dân là đối tượng có nhiều cống hiến trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nhưng chịu tác động nhiều nhất trước những biến động giá cả thị trường.

Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh về giải bài toán vốn vay cho nông dân, sớm phân cấp, giao quyền cho địa phương thực hiện các thủ tục liên quan đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp… Chủ tịch nước giao cho các bộ ngành chức năng xem xét tháo gỡ tạo sức bật cho sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể đứng vững trong quá trình hội nhập ngày sâu rộng hiện nay.

Chủ tịch cũng lưu ý, An Giang cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xem đây là giải pháp hiệu quả để nâng cao lợi thế cạnh tranh, góp phần ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. An Giang cần tham khảo kinh nghiệm trong nước, nước ngoài, thực hiện liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và các đơn vị, doanh nghiệp để kết hợp sử dụng với đào tạo lao động. Chủ tịch đề nghị hệ thống chính trị tỉnh tập trung chỉ đạo, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp; bảo đảm thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kinh tế xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như chiến lược đề ra.

Trước đó, nhân dịp chuẩn bị đón Tết nguyên đán Ất Mùi, Chủ tịch nước đã đến Tòa Giám mục Long Xuyên, thăm hỏi chức sắc công giáo và đời sống giáo dân. Trong không khí thân tình và cởi mở, Giám mục Trần Xuân Tiếu đã bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước cùng các vị khách quý đến từ Hà Nội đã đến thăm đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2015), mừng cụ Giám mục Bùi Tuần thọ 88 tuổi, từng 60 năm linh mục, 40 năm giám mục.

Giám mục Trần Xuân Tiếu khẳng định lập trường của giáo phận là tiếp tục vững bước trên con đường hợp pháp và hợp tác với chính quyền; thực hiện đường lối của Hội đồng giám mục Việt Nam là Sống phúc âm giữa lòng dân tộc; theo lời giáo huấn của Giáo hoàng Benedicto dành cho giáo hội Việt Nam "là người giáo dân tốt phải là người công dân tốt".

Giám mục cho biết, quan hệ giữa tòa giám mục với chính quyền địa phương luôn thân thiện; giáo dân được tạo điều kiện xây nhà thờ, trường học. Thay mặt giáo phận, Giám mục bày tỏ lòng tri ân với Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho tập thể đồng bào công giáo thực hiện các sinh hoạt tôn giáo của mình trong sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của Hiến pháp, vừa nỗ lực bảo vệ quê hương đất nước theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển về kinh tế xã hội của đồng bào Công giáo, Chủ tịch mong muốn Tòa Giám mục tiếp tục bổn phận, chăm lo giáo dân, tăng cường quan hệ thân tình với chính quyền địa phương, góp sức xây dựng giáo phận giàu đẹp, an hòa.

Thông báo với Giám mục về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong đó nhấn mạnh quan hệ với Tòa thánh Vatican, Chủ tịch nước đề nghị các chức sắc công giáo bằng uy tín của mình sẽ có nhiều đóng góp cho đất nước trên lộ trình hội nhập, phát triển.


Hoàng Giang (TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Phó Thủ tướng Lào
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Phó Thủ tướng Lào

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Phó Thủ tướng Lào cùng Đoàn đại biểu Lào đang thăm làm việc tại nước ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN