Trình bày tờ trình về dự án luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, hòa giải thành công, đối thoại thành công giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành công, đối thoại thành công phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
“Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019).
Qua sơ kết việc đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải, đối thoại thành công đạt 74,08% đã khẳng định tính ưu việt của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
* Cân nhắc quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên, đối thoại viên
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh rằng phạm vi và đối tượng hòa giải, đối thoại được quy định trong dự án Luật này phải bảo đảm không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có; đồng thời bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hòa giải viên, đối thoại viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật. Tuy nhiên, về tiêu chuẩn hòa giải viên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định tiêu chuẩn dưới 70 tuổi hay quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoà giải viên cần người có kinh nghiệm, có uy tín, có quá trình công tác tại các cơ quan pháp luật, không nên chú trọng tới tuổi. "Có những người hoà giải không có chứng chỉ hành nghề, trên 70 tuổi nhưng rất có uy tín và hòa giải rất hiệu quả, thành công” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ thế nào là người có uy tín trong xã hội, bởi đây là vấn đề rất khó định lượng.
Về lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 dự thảo Luật) hiện tại có hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không thu lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thực tiễn thí điểm cho thấy việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Quan điểm thứ hai đồng tình về việc cần có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, quan điểm này cho rằng cũng cần quy định thu lệ phí đối với một số trường hợp cụ thể với mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước.
Giải trình thêm tại phiên họp về nội dung này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đồng tình với quan điểm thứ nhất, dự án Luật sẽ thiên về xu hướng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để có lợi cho người dân.