Chiều 11/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về nội dung báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: “Chúng tôi rất thất vọng trước việc mặc dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện với các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện và có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với những thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan phát triển Liên hợp quốc đã nhất trí.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng trong tương lai, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam cần được triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan cũng như các nhu cầu ưu tiên của Việt Nam”.
* Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc một số nước liên tục có hoạt động diễn tập quân sự trên Biển Đông với thời gian gần sát nhau, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:
Biển Đông là một trong những vùng biển rất quan trọng trong khu vực, do đó việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng không, hàng hải trong khu vực Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia.
Việt Nam đề nghị hoạt động của các bên, các nước liên quan cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời phải đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu trên.