Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021), Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Việt Nam, một trong những cán bộ ngoại giao đầu tiên của Việt Nam triển khai công tác ASEM, đã trao đổi với báo chí về những giá trị, ý nghĩa tích cực của ASEM đối với Việt Nam, cũng như những nỗ lực của Việt Nam dành cho diễn đàn đa phương này với tư cách là thành viên sáng lập.
Xin Đại sứ đánh giá những kết quả nổi bật của hợp tác ASEM trong 25 năm qua, đặc biệt là vai trò của ASEM trong hoạt động thúc đẩy chủ nghĩa đa phương?
25 năm qua là chặng đường lịch sử với sự bứt phá của hai châu lục Á - Âu trong quan hệ quốc tế nói chung. Một trong những thành tựu có thể nói đến là ASEM.
Có một sự trùng hợp rất ý nghĩa đối với Việt Nam, 25 năm qua cũng là chặng đường chúng ta bắt đầu hội nhập với khu vực và liên khu vực. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), năm 1996, với tư cách thành viên ASEAN, Việt Nam tham gia thành lập ASEM, diễn đàn đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách là sáng lập viên. Việc thành lập ASEM có ý nghĩa quan trọng, khẳng định một bước ngoặt- làm thay đổi tính chất quan hệ giữa châu Á và châu Âu. Nhiều quốc gia châu Á, trong lịch sử, là thuộc địa các nước châu Âu. ASEM đã khẳng định tính bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Hai châu lục Á - Âu không chỉ là cái nôi văn hóa mà còn là những trung tâm quyền lực kinh tế và chính trị của thế giới. Diễn đàn ASEM giúp hai châu lục tăng tiếng nói, sự phối hợp, chia sẻ về chính sách, tác động đến quan hệ quốc tế và xử lý hiệu quả các vấn đề trong quan hệ quốc tế.
Ngày nay, trong gìn giữ hòa bình và an ninh, chúng ta thấy rõ, hợp tác trao đổi Á - Âu, dù còn có những ý kiến khác biệt- điều đương nhiên trong hợp tác quốc tế - nhưng bao giờ cũng cùng hành động để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó thúc đẩy, duy trì hợp tác đa phương, các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Đối với khu vực Đông Nam Á, 25 năm qua chính là giai đoạn chuyển tiếp căn bản của ASEAN trong quá trình mở rộng và thống nhất khu vực. Trong quá trình này, chính ASEM đã góp phần không nhỏ vào tinh thần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tinh thần hợp tác, tinh thần bình đẳng vì các mục tiêu chung, vì nỗ lực phát triển của khu vực.
Trong hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia, việc châu Âu, gồm nhiều nước có trình độ phát triển cao, hợp tác với châu Á, gồm nhiều quốc gia đang phát triển, giúp củng cố tinh thần hợp tác, nguyên tắc bình đẳng, tinh thần đối thoại và trao đổi.
ASEM cũng là diễn đàn đối thoại có tính chất linh hoạt. Các nước lắng nghe nhau, dù có thể không đưa ra kết luận cuối cùng, có thể chưa tạo được sự đồng thuận, nhưng vẫn giúp tăng thêm sự hiểu biết, kinh nghiệm, đặc biệt trong vấn đề tư duy về phát triển của các quốc gia như: Kinh nghiệm về phát triển kinh tế số của các nước khối châu Âu, kinh nghiệm để phát triển của những “con rồng” kinh tế ở Đông Bắc Á. Qua ASEM, các nước đang phát triển học được rất nhiều về tư duy tăng trưởng bền vững, lấy người dân làm trung tâm, về quản lý xã hội, xóa đói giảm nghèo.
ASEM không chỉ là một diễn đàn được tạo ra nhằm chia sẻ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau mà còn có những hành động cụ thể. Khi châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, các nước thành viên ASEM ở châu Âu đã thành lập quỹ hỗ trợ các nền kinh tế ở Đông Nam Á đang tác động của cuộc khủng hoảng. Việt Nam khi đó cũng tranh thủ được hàng trăm nghìn USD để hỗ trợ cho các chương trình của các địa phương, doanh nghiệp; với một số nước Đông Nam Á khác là hàng triệu USD.
Riêng với Việt Nam, qua ASEM, chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ, trao đổi và thúc đẩy thương lượng về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập kinh tế toàn cầu. Tại Hội nghị cấp cao ASEM diễn ra ở Việt Nam năm 2004, Liên minh châu Âu là đối tác đầu tiên trên thế giới ký thỏa thuận song phương với nước ta, ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, mở đường cho nhiều thỏa thuận khác để Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào tháng 1/2007.
Một hành động cụ thể nữa là những dự án song phương do ASEM mang lại. Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra hai năm/lần, xen kẽ là các hội nghị Bộ trưởng. Trong các khuôn khổ đó, nhiều nước khởi động hoặc hoàn tất quá trình đàm phán và đi đến ký kết các thỏa thuận song phương. Với Việt Nam, chúng ta khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU từ năm 2010 tại Cấp cao ASEM lần thứ 8 ở Bỉ, hoàn tất quá trình đàm phán vào năm 2014 tại Cấp cao ASEM lần thứ 10 ở Italy.
Điểm đặc biệt, một trụ cột hợp tác mang tính chất rất ASEM, đó là sự gắn kết giao lưu giữa những người dân. ASEM có hướng đi căn cơ, đặc sắc. Đó là tăng cường sự hiểu biết ngay từ lớp thanh niên, trẻ em, sinh viên, nhà báo, nghệ sỹ… bởi ASEM hiểu rằng, người dân có được hưởng thụ thì mới đánh giá đúng thành quả của hợp tác và liên kết, từ đó tạo ra ý nghĩa lâu dài, nuôi dưỡng và tận dụng được mối quan hệ đó. Chính người dân là những người luôn nuôi dưỡng và hình thành ý thức về hợp tác, hiểu biết lẫn nhau. Vì thế, hiện nay, trong khuôn khổ ASEM đã có các cơ chế như: Diễn đàn nhân dân ASEM, Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP), Diễn đàn thanh niên ASEM, Diễn đàn công đoàn ASEM …
Tuy nhiên, ASEM cũng đối mặt với một số thách thức. Đó là những thách thức bên ngoài về môi trường thay đổi, thời đại số, những thách thức toàn cầu hiện nay như: Dịch bệnh, thiên tai, các vấn đề an ninh, cạnh tranh nước lớn, căng thẳng thương mại. Bản thân ASEM cũng còn nhiều vấn đề nội tại như cách quản lí. Theo đó, vì tính chất của ASEM là không chính thức, do đó không có cơ chế Ban thư ký hoặc tổ chức một cách ổn định mà theo sáng kiến của từng nước chủ nhà đăng cai tổ chức diễn đàn, hoặc theo sáng kiến của từng cá nhân muốn thúc đẩy. Điều này làm hạn chế sự kết nối giữa các sáng kiến với nhau, hạn chế sự tập trung nguồn lực.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở hai châu lục còn diễn biến phức tạp, chúng ta cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy kết nối, hợp tác Á - Âu thời gian tới?
Đây là một vấn đề lớn, toàn diện, nhiều hệ lụy và dài hạn. Dịch COVID-19 cho thấy một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực, cùng lúc tạo nên các cuộc khủng hoảng khác. Là những châu lục, trung tâm kinh tế, công nghệ và quyền lực chính trị trên toàn cầu, vai trò của ASEM và các thành viên ASEM là rất quan trọng. Hiện nay, ưu tiên hợp tác là tiếp tục ứng phó với dịch bệnh, bởi sinh mạng của người dân phải được bảo đảm trước tiên.
Trong phát biểu của các quan chức cao cấp và diễn giả tại Đối thoại chính sách cao cấp ASEM diễn ra tại Hà Nội ngày 22/6 đều nêu ý kiến trao đổi về việc bảo đảm công bằng và khả năng tiếp cận các nguồn vaccine một cách công bằng cho các nước kém phát triển. Trong vấn đề này, ASEM làm được và phải làm được, không chỉ vì vai trò quan trọng của ASEM hiện nay mà bản thân ASEM là những trung tâm công nghệ, trung tâm sản xuất vaccine rất lớn của thế giới.
Việc các nước phát triển hỗ trợ và bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận vaccine COVID-19 cho các nước kém phát triển là cực kỳ quan trọng, bởi khi các nước khác không an toàn thì bản thân họ cũng không an toàn.
Bên cạnh đó, ASEM phải nghĩ một câu chuyện dài hơn, đó là phục hồi toàn diện về kinh tế-xã hội sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Một khía cạnh nữa, ASEM cần phải bàn đến vai trò của mình sẽ thay đổi thế nào trong tình hình mới. Nếu nói rằng, quan hệ quốc tế đang thay đổi và đang có một cuộc “sắp đặt lại” trên toàn cầu thì ASEM trong 25 năm tới có khác không? Do đó, phải định vị lại vai trò, các chương trình nghị sự của ASEM, trong đó nhấn mạnh các vấn đề: An ninh sức khỏe cộng đồng, an ninh nguồn nước, thiên tai, hạn hán; đào tạo nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số; bình đẳng giới…
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là diễn đàn đa phương đầu tiên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được tổ chức sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của sự kiện này trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về nâng tầm đối ngoại đa phương?
Có thể nói, bản thân sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các quan chức cao cấp đã cho thấy sự thành công của việc triển khai chính sách đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này cũng tiếp tục khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương.
Tôi là cán bộ ngoại giao đầu tiên được giao triển khai ASEM vào tháng 3/1996 tại Bangkok (Thái Lan). Chúng tôi rất tự hào nhận thấy Việt Nam đã có những bước đi chính xác trong 25 năm qua, kể từ khi tham gia ASEM bằng việc tận dụng hiệu quả và có đóng góp nổi bật vào diễn đàn.
ASEM là một diễn đàn quan trọng với Việt Nam về mặt chiến lược, kinh tế, chính trị, an ninh, phát triển, xã hội. Đây là nơi hội tụ 53 thành viên, là những cái nôi của văn hóa thế giới, những trung tâm về công nghệ, cường quốc về kinh tế trong thời đại mới. Hội nghị lần này cho thấy tính hấp dẫn, sự khéo léo, cách đưa vấn đề của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, hội tụ được các thành viên ASEM. Hội nghị cũng cho thấy tính đúng và trúng của đường lối đối ngoại được đưa ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương, coi đó là nơi để nước ta nâng cao vị thế, đóng góp cho thế giới, thúc đẩy quan hệ song phương, tranh thủ nguồn lực cho đất nước.
Với 25 năm phát triển, một lần nữa có thể khẳng định, ASEM tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai đối ngoại đa phương của nước ta.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.