Một trong những điểm nổi bật sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc - vùng lõi nghèo của cả nước - là nhận thức về xây dựng nông thôn mới của người dân ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của các địa phương.
Đánh giá trên đã được các bộ, ngành, địa phương đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 - 2020, do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 3/8, tại thành phố Hòa Bình (Hòa Bình). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các địa phương đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của các tỉnh, đồng thời góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của vùng giai đoạn 2010-2020. Tinh thần tự lực của một số tỉnh được nâng lên rõ rệt, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Một số địa phương có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới (4 thành phố và 2 huyện) đã tạo động lực phấn đấu cho các địa phương khác, cũng như lan tỏa ra toàn vùng. Điều này thể hiện nông thôn mới hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn xác định rõ quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bảo đảm tính kế thừa, phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại và giữ gìn đặc trưng bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 32,98% số xã, đi đầu khu vực Tây Bắc và thứ 3 so với khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Bình quân tiêu chí nông thôn mới của các xã trong tỉnh tính đến nay đạt 13,88 tiêu chí/xã; thành phố Hoà Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 (hoàn thành chỉ tiêu một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước 2 năm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến hết năm 2018, Thái Nguyên đã có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối 2019, sẽ có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 101 xã.
Bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí; có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Phổ Yên). 5 xóm được công nhận đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 50 xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài học kinh nghiệm được lãnh đạo địa phương này đưa ra là xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ban hành hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất một cách thuận lợi nhất.
Từ khi bắt đầu triển khai, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ cụ thể, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng góp ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, tỉnh trích ngân sách mua xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 - 2020, mỗi năm hỗ trợ 100.000 tấn. Đây là chương trình rất hiệu quả, nhà nước chỉ đầu tư 30%, còn lại các xã huy động từ người dân...
Chủ tịch huyện Mai Sơn (Sơn La) Trần Đắc Thắng nêu bài học kinh nghiệm là không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua việc triển khai ngày thứ 7 về cơ sở; thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát trong xây dựng nông thôn mới.
Nhiều kiến nghị cụ thể đã được các đại biểu nêu lên tại Hội nghị, trong đó có việc tăng cường nguồn lực đầu tư trong thời gian tới, xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình trung tâm, trục chính trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn để làm cơ sở và mục tiêu để các chương trình khác, các nguồn lực, bộ, ngành đầu tư vào.
Bảo đảm an ninh trật tự địa bàn phên dậu của Tổ quốc
Đánh giá về tình hình an ninh trật tự khu vực miền núi phía Bắc, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết những nhu cầu bức thiết về ăn mặc, ở, học hành, chữa bệnh, điện, đường, trường, trạm mà còn ý nghĩa quan trọng để củng cố nền an ninh - quốc phòng ở địa bàn phên dậu của Tổ quốc, khu vực chiến lược đặc biệt quan trọng. Chương trình được triển khai tốt, người dân có cuộc sống ấm no, đầy đủ thì an ninh - quốc phòng ở vị trí xung yếu này cũng được bảo đảm tốt hơn.
Cho rằng công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu vực nông thôn nói chung và khu vực miền núi phía Bắc nói riêng đã, đang và sẽ là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nhận định cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới. Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang Bộ Quốc phòng kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn trên địa bàn khu vực phía Bắc, nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ từng tấc đất ở khu vực này.
Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho công an hoàn thành nhiệm vụ, trong đó, tới đây công an sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng tuyến huyện là tuyến toàn diện và tăng cường lực lượng công an chính quy về xã để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.
“Các mục tiêu chúng ta đạt được nhưng nếu ở đâu đó, đặc biệt là vùng nông thôn còn khó khăn, tội phạm lộng hành, nhất là tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp giật, thì các mục tiêu khác sẽ không đảm bảo ý nghĩa. Mục tiêu đảm bảo yên bình cho người dân là một yêu cầu cụ thể mà Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp thực hiện quyết liệt trong thời gian tới”, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nói.
Tránh tâm lý thỏa mãn, chủ quan, lơ là
Đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của 14 tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là vùng khó khăn, rất khó khăn và đặc biệt khó khăn so với cả nước, có đến 60,5% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó Cao Bằng có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm rất thấp, số đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng chiếm tới 55% đồng bào dân tộc thiểu số cả nước, địa hình chia cắt.
“Nhưng đánh giá gọn lại, 10 năm qua, 14 tỉnh vùng lõi nghèo của cả nước đã vượt khó và rất thành công trong xây dựng nông thôn mới, nhờ có nhiều mô hình mới, cách làm hay, chỉ đạo rất quyết liệt, sáng tạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò chủ thể người dân. Chúng tôi tin rằng những tỉnh miền núi phía Bắc làm được thì không có lý do gì các nơi không làm được. Các tỉnh miền núi phía Bắc đã thành công thì các nơi khác cũng sẽ thành công và phải thành công, không có lý do gì không thành công”, Phó Thủ tướng ghi nhận và cho rằng đây là vùng phên dậu của đất nước, do đó thành tựu đạt được về xây dựng nông thôn mới đối với các tỉnh này có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng.
Gợi mở một số nội dung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết 26 về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) đã nêu rõ, vấn đề “tam nông” là vấn đề chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt, vai trò của người nông dân là chủ thể. Tổng kết đánh giá 10 năm và hoạch định chiến lược 10 năm tới cũng phải trên tinh thần này.
Phó Thủ tướng yêu cầu, sau hội nghị, Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực phân tích, đánh giá rõ các nội dung trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới vừa qua. Bộ tiêu chí này được xây dựng theo tinh thần bộ khung, phân cấp mạnh hơn cho các tỉnh, huyện, cần xem xét 19 tiêu chí này đã phù hợp chưa và có cần thay đổi không. Đây là vấn đề quan trọng để chủ động sau năm 2020, khi vào giai đoạn mới đã có khung khổ pháp lý để triển khai, không phải chờ.
Bên cạnh đó, sắp tới sẽ triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, cấp huyện, các tiêu chí đặt ra như thế nào cũng cần phải làm rõ. Hay việc mỗi xã có cần phải có 1 chợ; xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp thôn, bản…, làm sao để có sự phân cấp mạnh mẽ, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài cấp xã, huyện, tới đây phải đặt trọng tâm vào cấp thôn, bản, phải tính toán điều chỉnh về kinh phí, tiêu chí kết cấu hạ tầng giao thông…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã thống nhất giao Ban cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số và phê duyệt một Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 để có chính sách đặc thù hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có xây dựng nông thôn mới, có giảm nghèo bền vững, có chính sách riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt có nội dung tích hợp 118 chính sách về dân tộc.
Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới suy cho cùng là phải đảm bảo sinh kế và đời sống người dân, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải gắn được xây dựng nông thôn mới với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở các mô hình để đảm bảo phát triển bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung toàn lực để chương trình đạt kết quả tốt nhất, toàn diện nhất vào năm đến 2020, tránh tâm lý thỏa mãn, chủ quan, lơ là; nâng cao thu nhập của người dân, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách có tính đột phá cho hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, bảo tồn văn hóa, nhân rộng mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn...