Tính đến đầu tháng 12/2022, Thanh Hóa có 2.012 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ là hơn 410 tỷ đồng. Cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng này.
Trong các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm, 623 mã đơn vị nợ từ 3 đến dưới 6 tháng với số tiền 39,3 tỷ đồng; 372 mã đơn vị nợ từ 6 đến dưới 12 tháng với số tiền 30,7 tỷ đồng; 483 mã đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền nợ 229,7 tỷ đồng. Đặc biệt, 534 mã đơn vị nợ khó thu do giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn... đã dừng tính lãi với số tiền nợ 110,5 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số lao động nhiều, số tiền nợ lớn và kéo dài như Công ty Trách nhiệm hữu hạn FLC SAMSON GOLF & RESORT nợ 21 tháng với số tiền 17,6 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa nợ 79 tháng với số tiền 15,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần LILAMA 5 nợ 51 tháng với số tiền 15,05 tỷ đồng…
Lý giải về nguyên nhân nợ đọng, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp, đơn vị chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm như: khó khăn trong sản xuất kinh doanh hậu COVID-19. Một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán; một số đơn vị chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án dẫn đến không nộp được tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... Việc tuân thủ pháp luật về trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Người lao động chưa chủ động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm… Ngoài ra, do việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ còn nhiều hạn chế, cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm, khiến các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc kết luận sau thanh tra, kiểm tra dẫn đến tiếp tục tái nợ.
Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Thanh Hóa khẳng định: Tình trạng chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động, cũng là nỗi lo của cả hệ thống chính trị, của cơ quan bảo hiểm xã hội nói trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm và công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến chủ sử dụng lao động và cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị quyết liệt để đôn đốc nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong đó tập trung vào doanh nghiệp có có số nợ lớn, kéo dài và kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở tiếp tục các bước xử lý tiếp theo đối với các trường hợp chây ỳ.
Trong năm 2023, với các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn, thời gian kéo dài, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội ít hoặc bằng 0, cơ quan Bảo hiểm sẽ rà soát, xác định rõ tình trạng của doanh nghiệp đồng thời phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai Điều 214 "Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp", Điều 215 "Tội gian lận Bảo hiểm y tế", Điều 216 "Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động" theo Bộ luật Hình sự, không để tình trạng xâm phạm quyền lợi bảo hiểm của người lao động tiếp tục kéo dài.