Tiềm ẩn nhiều rủi ro gây áp lực lên mặt bằng giá

Từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây áp lực lên mặt bằng giá. Vì vậy thời gian còn lại của năm 2017, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành giá để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá.

Đó nội dung của Thông báo số 321/TB-BCĐĐHG của Bộ Tài chính về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây.

Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị Co.op Mart Foodcosa Quang Trung (Gò Vấp). Ảnh minh họa: Thanh Vũ-TTXVN

Trong đó, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; kiểm soát tổng mức tín dụng cả về cơ cấu và chất lượng tín dụng; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức không quá 1,8%.


Đối với điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định; phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán tác động của việc điều chỉnh, qua đó sử dụng quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, nhất là trong thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng khác để kiểm soát mặt bằng giá chung.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê tính toán, đề xuất phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để xem xét, hướng dẫn các địa phương thời điểm điều chỉnh giá phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và không gây xáo trộn lớn.

Đối với giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển; giá dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (BOT), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá kỹ tác động, kiểm soát chặt chẽ phương án giá, tình hình điều chỉnh các loại giá, phí, tránh tạo dư luận không tốt trong xã hội cũng như tránh gây xáo trộn đối với hoạt động cung ứng, sử dụng dịch vụ; sớm có phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm đã quyết toán trong năm 2017 theo hướng ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí; phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện việc thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải trong tháng 5/2017.

Theo thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện và triển khai đấu thầu tập trung thuốc chậm nhất trong tháng 5/2017, với mục tiêu giảm giá thuốc từ 10% đến 15% trong năm nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối ăn nhằm ổn định giá cả thị trường.

Cũng tại thông báo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 – 2020; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Minh Phương/Báo Tin tức
Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng góp phần giảm lạm phát cơ bản
Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng góp phần giảm lạm phát cơ bản

Tại buổi báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/4, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tiền tệ theo hướng thận trọng và điều này phần nào khiến lạm phát cơ bản trong quý I giảm nhẹ so với năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN