Trong 6 tháng đầu năm 2022, với nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021, giảm 663 vụ (10,41%) và giảm 793 người bị thương (17,69%). Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2019 (trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19), số vụ tai nạn giao thông giảm 31,94%, số người chết giảm 13,17%, số người bị thương giảm 41,95%.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022 còn một số tồn tại, hạn chế: Số người chết vì tai nạn giao thông tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021 (tháng 6/2022 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với tháng 6/2021). Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn nghiêm trọng tại nhiều địa phương, nhất là nơi có công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, nhà máy xi măng, cảng - bến thủy nội địa…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế, sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
Ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường/làn đường, vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... vẫn diễn ra và chưa được xử lý triệt để. Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
* Sửa đổi quy định theo hướng phạt nặng chủ xe ô tô tải vi phạm tải trọng cầu đường
Để đạt được mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí ít nhất 5% so với năm 2021 tại mỗi địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025; làm việc với các địa phương có tai nạn giao thông tăng và có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp trong 6 tháng đầu năm; kiểm tra, chỉ đạo khắc phục ùn tắc giao thông tại các cảng hàng không; tổ chức các buổi làm việc chuyên đề trao đổi, phân tích rút kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp đối với các vấn đề trật tự an toàn giao thông nổi cộm hoặc với các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông; khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống cân kiểm tra tải trọng tự động đối với xe ô tô chở hàng hóa trên đường bộ, làm cơ sở để đầu tư, lắp đặt trên mạng lưới đường bộ toàn quốc; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô tải theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn; tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng chế tài xử lý đối với lái xe, chủ xe ô tô tải có hành vi chở hàng hóa vi phạm tải trọng cầu đường.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chủ đầu tư, nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án giao thông trọng điểm, kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp thu kiến nghị của lực lượng Cảnh sát Giao thông và người dân, tiến hành rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh; có phương án tổ chức, bảo đảm giao thông hiệu quả, nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức cảnh báo, điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trong mùa mưa, lũ.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát tải trọng đối với xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường thi công; ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý vi phạm tải trọng đối với ô tô tải tự đổ có kích thước thùng hàng lớn được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu trước ngày Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT có hiệu lực.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Giao thông Vận tải, tăng cường kiểm tra đột xuất về quản lý nhà nước đối với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan về quản lý kinh doanh vận tải, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với hạ tầng, phương tiện và người lái xe trong mùa du lịch hè 2022 và các ngày lễ lớn trong 6 tháng cuối năm như nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, Tết Dương lịch 2023; chỉ đạo Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Cảnh sát Giao thông tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là lái xe ô tô chở khách trên 9 chỗ và xe chở container.
* Giải quyết các "điểm đen"
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an duy trì thực hiện và tổng hợp, đánh giá kết quả các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về ma túy, nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông Vận tải trong thực hiện xử lý vi phạm chuyên đề về xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng tại các địa phương.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa bàn có đông khách tham quan, du lịch; tổ chức các chuyên đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và nghỉ Tết Dương lịch 2023; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các "điểm đen", các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và các cấp bộ Đoàn tại địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong kỳ nghỉ hè; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đầu năm học mới 2022-2023 và tổ chức Tháng cao điểm bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường vào tháng 9/2022.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn người dân chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
* Xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về trật tự an toàn giao thông
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng trên hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp tổ chức xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về trật tự an toàn giao thông có tính chất nghiêm trọng, mời các cơ quan báo chí tham dự để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình; tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố phải tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm riêng đối với các địa phương cấp huyện có số người chết do tai nạn giao thông tăng, phân tích nguyên nhân cụ thể, đánh giá hiệu lực thực thi pháp luật trên từng địa bàn cấp huyện, làm rõ những doanh nghiệp tổ chức vi phạm quy định, đề ra giải pháp cụ thể và có phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện để kéo giảm tai nạn giao thông trong 6 tháng cuối năm.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương, các đô thị loại 1, các địa phương có đông khách du lịch… đánh giá mức độ ùn tắc giao thông, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông. Trước mắt, cần tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường; ưu tiên sử dụng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ và bố trí trạm dừng đón/trả khách cho xe buýt; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố; thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, các điểm ùn tắc giao thông để có giải pháp phân luồng, điều tiết và tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tiễn…