Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính dự kiến khai trương ngày 1/7/2020

Ngày 4/6, tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác với các bộ, cơ quan liên quan về triển khai xây dựng hệ thống chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 3/6, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 41 triệu lượt truy cập; 159 nghìn tài khoản đăng ký; 9 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 102 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 12 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 458 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 203 dịch vụ cho công dân, 266 dịch vụ cho doanh nghiệp.

Theo các đại biểu dự cuộc họp, với những kết quả trên, Cổng Dịch vụ công quốc gia bước đầu đã được đón nhận và phát huy tốt chức năng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây là kết quả của sự tham gia mạnh mẽ từ các bộ, cơ quan và các địa phương.

Các đại biểu đánh giá, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là bước tiến lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Trao đổi, làm rõ về vấn đề cấp bản chứng thực điện tử, kho dữ liệu chứng thực, cấp chứng thư số, vấn đề bảo mật khi triển khai dịch vụ, đặc biệt là vấn đề quản lý chặt chẽ việc cấp, sử dụng, khai thác bản sao chứng thực điện tử..., các đại biểu cho rằng, quá trình triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính có thể gặp phải một số khó khăn. 

Vướng mắc đầu tiên là một số văn bản pháp lý liên quan như mẫu bản sao điện tử được chứng thực, các yêu cầu kỹ thuật đối với bản sao điện tử chưa được quy định. Tại một số địa phương chưa bảo đảm các thiết bị cần thiết như máy scan, số lượng chữ ký số để thực hiện nghiệp vụ. 

Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện dịch vụ cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính bao gồm cả cơ quan nhà nước (UBND phường, xã, Phòng tư pháp cấp huyện, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và tổ chức hành nghề công chứng công và tư, do vậy, việc quản lý đối tượng tham gia vào dịch vụ cần hết sức chặt chẽ. Việc bảo đảm quản lý tài khoản, phân vai, phân quyền tương đối phức tạp.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về chứng thực, các cơ quan không thực hiện lưu trữ bản sao chứng thực. Từ đó, việc kiểm tra tính chính xác, toàn vẹn của bản sao điện tử được chứng thực hoàn toàn phụ thuộc vào việc kiểm tra tính nguyên vẹn và các thông tin của chữ ký số đã ký.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thay mặt Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cảm ơn đại điện các cơ quan: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ... và các chuyên gia đã tích cực đóng góp ý kiến tại cuộc họp. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong quá trình tiến tới xã hội số, nền kinh tế số và đẩy mạnh giao dịch điện tử, việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính rất quan trọng.

Thay cho việc chứng thực bản sao cấp kết quả giấy như truyền thống, người dân có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cấp bản sao điện tử: “Lựa chọn là của người dân và doanh nghiệp. Đến công chứng tại phòng công chứng hay ở nhà truy cập Cổng Dịch vụ công hoặc đến xã, phường là việc do người dân lựa chọn, nhưng tinh thần là Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nghị định 45/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành là Nghị định tiên phong về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, là văn bản có tính pháp lý quan trọng cho sử dụng văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số, giao dịch điện tử. “Tinh thần là chúng ta rất ủng hộ chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, đó là phải dùng các hồ sơ điện tử trên môi trường điện tử để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa mẫu bản sao chứng thực điện tử. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam cùng phối hợp triển khai dịch vụ, thống nhất về quy trình, đảm bảo tiện lợi cho người sử dụng.

Trên tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý cần đặc biệt chú trọng bảo mật thông tin, bởi theo ông Mai Tiến Dũng, vấn đề này nếu không làm chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Để dịch vụ khai trương vào ngày 1/7/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nghị các cơ quan, người dân, doanh nghiệp tiếp tục tích cực ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Hiền Hạnh  (TTXVN)
Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ gửi nhận văn bản điện tử
Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ gửi nhận văn bản điện tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các bộ, ngành, địa phương gửi, nhận văn bản điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN